Y tế - Sức khỏe
Khám chữa bệnh y tế cơ sở: Đòn bẩy nào nâng chất lượng?
D.Ngân - 10/11/2021 14:39
Chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở vẫn còn là dấu hỏi và đây là nguyên nhân khiến người dân vẫn đổ xô lên tuyến trên mỗi khi có bệnh.

Người dân thờ ơ với y tế cơ sở, các trạm y tế xã hầu như chỉ “ngồi chơi, xơi nước” là thực tế nhiều nơi cho thấy sự hạn chế về năng lực của y tế cơ sở.

Nâng chất lượng y tế cơ sở là yêu cầu cấp bách để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn Đại biểu quốc hội TP.Hà Nội về nâng cao năng lực y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua hệ thống y tế cơ sở cơ bản đáp ứng được trong tình hình bình thường.

Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra y tế cơ sở còn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu. Một trong những hoạt động Bộ đang quan tâm đối với y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện và tuyến xã. Đối với tuyến xã cần sắp xếp lại, cơ cấu lại để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải. 

Với nội dung tăng cường đầu tư cho y tế tuyến xã, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ đã thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức quốc tế, những nơi khó khăn nâng cấp gần 1000 trạm y tế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục trình đối với Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã.

Đồng thời nâng cao năng lực cho y tế tuyến xã như đưa bác sĩ tuyến huyện về tuyến xã, tăng cường việc khám, chữa bệnh từ xa; hình thành nhóm bác sỹ y học gia đình (bao gồm bác sĩ công lập, tư nhân); Đổi mới cơ chế tài chính hi vọng vấn đề này sớm giải quyết trong thời gian tới đây.

Về phát triển nguồn nhân lực y tế phục vụ cho nhu cầu y tế cơ sở, theo Bộ trưởng, mỗi năm có khoảng 6.700 – 7.000 bác sĩ trẻ ra trường, vì vậy Bộ đang thực hiện đổi mới đào tạo căn bản, theo hướng sâu hơn (6+3);

Đổi mới theo phương thức cấp bằng, chứng chỉ; Tổ chức thi độc lập. Đối với nhân lực vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng cho biết hết sức khó khăn, tới đây đẩy mạnh việc thu hút nhân lực vùng sâu, vùng xa.

Nhằm nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, đại biểu Dương Ngọc Hải, đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế khi Bộ có giải pháp gì trong việc phân cấp quản lý để phát huy vai trò của các bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế?

Đề cập tới nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, về năng lực quản lý, nguồn lực trong vấn đề đầu tư, về con người, cơ sở vật chất thì hầu như với một số Sở Y tế chưa quản lý được hết và chưa có đầu tư.

Vì vậy, khi làm việc với TP.HCM, Bộ Y tế đã trao đổi với TP.HCM, ủng hộ cho phương án trao việc quản lý các trung tâm y tế cho quận, huyện. Sở dĩ như vậy là do tiềm lực của các quận, huyện của TP.HCM rất lớn. Do đó, việc phân cấp, phân quyền, tăng cường đầu tư, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp.

Mặt khác, đối với mặt bằng chung trên toàn quốc, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc trên tất cả các góc độ để đảm bảo rằng chúng ta tăng cường được đầu tư, tăng cường về mặt quản lý, tăng cường về mặt trách nhiệm đối với quản lý y tế cơ sở để làm tốt hơn công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nói thêm về những nội dung liên quan tới câu hỏi của đại biểu Dương Ngọc Hải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập có nội dung rất quan trọng.

Đó là các đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện nếu tự chủ hoàn toàn được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm, báo cáo về tài chính.

"Những chuyện như liên kết đặt máy, mua bán vật tư, thiết bị y tế hàng năm thì bệnh viện công sẽ được Nhà nước hạch toán, còn những đơn vị tự chủ hoàn toàn phải kiểm toán và công khai việc này", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Với những đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải chuyển về cho địa phương, ngành Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Cũng liên quan tới chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh của ngành Y tế đã triển khai đến đâu, có hiệu quả thực sự hay không?

Giải đáp câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin việc thông tuyến BHYT, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế các tỉnh.

Tuy vậy việc thông tuyến cũng có hạn chế là không đảm bảo quản lý BHYT, sức khoẻ người dân địa bàn. Theo đó, khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT xảy ra tình trạng có nơi tăng bệnh nhân nhưng cũng có nơi không có bệnh nhân.

Trước thực tế đó, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp, đưa vào Luật BHYT sửa đổi tới đây trên nguyên tắc người dân được tiếp cận y tế tốt nhất.

Tin liên quan
Tin khác