Các phóng viên luôn có mặt tại những “điểm nóng”, đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19 |
Đồng đội khác chiến tuyến
Không có nghiệp vụ y tế, không biết chữa bệnh, cứu người, nhưng qua chia sẻ của các y, bác sĩ, phóng viên trở thành những người chuyển tải thông điệp chống dịch Covid-19 bằng các kiến thức y khoa chuẩn xác.
Ngược lại, đội ngũ y, bác sĩ thông qua báo chí đã nói được tâm tư, tình cảm, cả băn khoăn, trăn trở và mong ước của bản thân trong tâm dịch. Cũng bởi nhận thấy những hiệu ứng tích cực, lan tỏa của báo chí, mà nhiều bác sĩ vốn “sợ báo chí” đã tự tin chia sẻ, viết bài để hướng dẫn cộng đồng các biện pháp phòng, chống dịch.
Đằng đẵng 2 năm ròng với 4 làn sóng dịch là chừng đó thời gian báo chí đồng hành với các chiến binh áo trắng trên mặt trận không tiếng súng, nhưng vô cùng khốc liệt. Nhớ lại thời điểm cuối năm 2019, khi Covid-19 mới xuất hiện trên thế giới, thông tin về căn bệnh “viêm phổi cấp” còn hiếm hoi. Để có được bài viết quý giá, cung cấp thông tin cho độc giả, phóng viên y tế phải ngày đêm “săn lùng” chuyên gia y tế, bác sĩ đầu ngành truyền nhiễm cũng như cơ quan chức năng.
Khi dịch bùng phát tại Việt Nam, từ ổ dịch đầu tiên tại Sơn Lôi, Hạ Lôi rồi đến Hải Dương, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh và giờ là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội…, hình ảnh về cuộc chiến nơi tâm dịch được các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đầu tư phản ánh đậm nét.
Đầu năm 2020, cứ mỗi lần có thông tin ca bệnh mới phát hiện, cơ quan chức năng phong tỏa các khu dân cư là phóng viên y tế lại lao đến hiện trường với tốc độ tên lửa, bất kể ngày đêm, sớm tối, để thông tin sớm nhất tới độc giả. Nhịp sống, sinh hoạt của người dân tại các khu cách ly, những khó khăn mà lần đầu tiên người dân phải nếm trải khi dịch bệnh xâm nhập; sự vất vả, nhọc nhằn của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu… liên tục được đăng tải.
Thời điểm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên, một rừng phóng viên có mặt để thông tin, phỏng vấn các y, bác sĩ về tình trạng bệnh, mức độ nguy hiểm cũng như phác đồ điều trị. Lúc đó, người mà phóng viên y tế “canh” nhiều nhất là bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa, Khoa Cấp cứu, hiện đang giữ cương vị Phó giám đốc Bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến cuối toàn miền Bắc có trụ sở tại Đông Anh, cách khá xa trung tâm Hà Nội, nhưng không vì thế mà việc tác nghiệp bị ngăn trở.
Sau đó, khi số ca mắc tăng cao, quá tải, đội ngũ áo trắng quay cuồng trong guồng quay công việc để cứu sống bệnh nhân, thì báo chí lại đi sâu lột tả những vất vả, nhọc nhằn của họ cũng như sự thay đổi chiến lược, chiến thuật chống dịch và phác đồ điều trị do cơ quan quản lý là Bộ Y tế đưa ra.
Chúng tôi nhớ mãi cuộc gọi điện thoại phỏng vấn hàng giờ đồng hồ trong đêm với bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) về việc chuẩn bị cho cuộc hành quân “có một không hai” trong lịch sử đi đón hơn 200 công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích Đạo vào cuối tháng 7/2020, khi dịch đang căng thẳng. Qua cuộc điện thoại, chúng tôi hiểu được những tâm sự giản dị, những băn khoăn, lo lắng và cả quyết tâm của vị bác sĩ trẻ.
- Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Kế đó là những cuộc nói chuyện liên tục qua Facebook, Zalo, Viber với các y, bác sĩ ở tâm dịch Hải Dương, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh về nỗi nhớ nhà, nhớ quê, về nhật ký những ngày làm việc thâu đêm suốt sáng của họ tại tâm dịch, về cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Còn nhớ, lúc viết bài về những nhọc nhằn của y, bác sĩ tại Bắc Giang khi số ca mắc tăng cao chóng mặt, phóng viên Báo Đầu tư phải căn đến đúng 10 giờ đêm khi bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển, Phó trưởng khoa, Khoa Gây mê hồi sức A (Bệnh viện Trung ương Huế) tạm hoàn thành công việc chuyên môn để có thời gian trả lời phỏng vấn. Cuộc điện thoại liên tục bị ngắt quãng, bởi anh phải nhận cuộc gọi từ các bác sĩ để tham vấn chuyên môn, điều trị bệnh nhân Covid-19. Sau khi dứt điện thoại, chúng tôi tiếp tục trao đổi qua hàng loạt tin nhắn để thấu hiểu hơn về công việc chuyên môn của anh và đồng nghiệp.
Có lẽ, trong 10 năm làm nghề báo của mình, chưa thời điểm nào tôi dự nhiều cuộc họp như những tháng dịch hoành hành. Liên tiếp các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và TP. Hà Nội diễn ra khẩn cấp, bất kể giữa trưa hay tối muộn.
Người dân Hà Nội chắc sẽ không bao giờ quên sự kiện phát hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17 vào ngày 7/3/2020, kết thúc khoảng thời gian 22 ngày không ghi nhận ca mắc cộng đồng tại Thủ đô. Khi ấy, Hà Nội họp khẩn trong đêm, các phóng viên y tế nhận được thông tin liền lập tức tới trụ sở UBND Thành phố để dự họp, nhanh chóng hoàn thành bài viết gửi về Tòa soạn để kịp thời đăng tải những thông tin nóng bỏng mà độc giả đang rất quan tâm.
Môi hở, răng lạnh
Nhìn từ 4 làn sóng dịch đã qua, có thể thấy rằng, không chỉ trong chiến tranh, lúc bom rơi, đạn nổ, thì nghề báo mới đối mặt với hiểm nguy. Trong hoàn cảnh dịch dã, thảm hoạ, thiên tai…, đội ngũ những người làm báo sẵn sàng lên tuyến đầu, chấp nhận gian khổ, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ.
Trong những ngày cao điểm của đại dịch Covid-19, khi cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động bị ngưng trệ, người dân được yêu cầu ở nhà, nhưng những người làm báo vẫn tất bật, miệt mài với công việc của mình.
Những bài viết, dòng tin, hình ảnh về việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế hay cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại địa điểm cách ly chưa một phút dừng lại; các hướng dẫn, khuyến cáo biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn thậm chí còn sôi sục, dày đặc hơn nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến lớn nhất và chưa từng có về Covid-19 ở Việt Nam và toàn cầu.
Khi tác nghiệp, các phóng viên luôn phải đối diện với nỗi lo bản thân có thể nhiễm bệnh, bởi phía sau họ là người thân. Tuy nhiên, cũng giống như đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, dù còn đó nhiều lo lắng, song họ không ngại khó, không ngại khổ, vượt qua nỗi lo sợ cá nhân vì một mục đích cao cả hơn, đó là chống dịch bằng ngòi bút.
Khi tác nghiệp mùa dịch, chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác hậu cần tại các khu cách ly tập trung; nỗ lực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân của những chiến sỹ blouse trắng, tôi như được tiếp thêm động lực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của người cầm bút.
Ấn tượng mà tôi nhớ mãi không thể quên khi tác nghiệp tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 là khuôn mặt đẫm mồ hôi, đôi bàn chân kiệt sức, đôi bàn tay rã rời của các bác sĩ khi di chuyển như con thoi giữa các phòng bệnh để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Mắt tôi cũng nhòe đi khi chứng kiến cảnh nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khóc nấc lên khi cha mất mà không thể về tiễn cha lần cuối. Tôi cũng cảm động vô cùng trước những hành động tuy nhỏ, nhưng đầy tính nhân văn của nữ điều dưỡng bón từng thìa cháo, đắp lại chiếc chăn mỏng lên người bệnh nhân, hay nam điều dưỡng không than thở ngày đêm tập thở cho người bệnh.
Tuy vậy, không phải lúc nào trong tác nghiệp, phóng viên cũng nhận được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế. Nhiều lúc, nhiều thời điểm, một số người vì những cảm quan cá nhân mà thờ ơ, không hợp tác khi báo chí tác nghiệp. Điều đó cũng có thể lý giải bởi đâu đó trong số những bài báo được đăng tải, những phóng sự được viết ra, được lan truyền chưa hẳn là xác thực, khiến họ không khỏi chạnh lòng.
Đề cập sự đồng hành của báo chí với các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong suốt 2 năm qua, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam không khỏi lo lắng, khi chứng kiến hình ảnh đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly, tại những nơi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Song bên cạnh đó, ông cũng tự hào và cảm phục vì tinh thần dấn thân, không quản ngại khó khăn, thậm chí là nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ thông tin trên “mặt trận” phòng, chống đại dịch Covid-19.
Theo ông Lợi, qua các làn sóng dịch, cách thức chuyển tải thông tin về công tác phòng, chống dịch cũng có những thay đổi đáng kể để phù hợp với bối cảnh. Chẳng hạn, trước đây, chúng ta thường xuyên thông tin về diễn biến của dịch bệnh và cho rằng, đó mới là nguồn thông tin chủ đạo nhất. Tuy nhiên, với đợt dịch lần thứ tư, nếu chỉ cung cấp cho bạn đọc những diễn biến của dịch bệnh, nhất là về các điểm nóng, ổ dịch và những nguy cơ lan truyền ổ dịch ra cộng đồng là chưa toàn diện. Quan trọng hơn, báo chí còn thông tin cho người dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước trong nhiệm vụ chống dịch hiện nay.
“Covid-19 tác động lên tất cả mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có hoạt động của nhiều cơ quan báo chí. Hai năm qua là thời gian thử thách với cả phóng viên và cơ quan báo chí. Tuy vậy, không phải vì khó khăn mà đội ngũ báo chí không xông pha lên tuyến đầu; trái lại, nơi nào có dịch bệnh, nơi đó có các ống kính máy quay, máy ảnh, các phóng viên đồng hành với các nhân viên y tế”, ông Hồ Quang Lợi nói.
Và sự thật đã minh chứng trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, báo chí với nhân viên y tế như răng với môi, môi hở răng lạnh, dù trước đó có thể có số ít y, bác sĩ chưa hiểu về giới truyền thông dẫn tới thái độ nghi ngờ.