Thi công cầm chừng
Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây có tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2018, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021. Với chiều dài hơn 19 km, nối Quốc lộ 14B với đường Hồ Chí Minh, đây là dự án giao thông trọng điểm của TP. Đà Nẵng.
Nhưng đến nay, Dự án chỉ là chuỗi đoạn đứt gãy. Sốt ruột với dự án trọng điểm này, TP. Đà Nẵng đã “chốt” thời hạn hoàn thành là ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến nay, nhiều đoạn vẫn chưa thi công xong nền đường, nhiều nơi còn tắc mặt bằng. Khối lượng công việc của dự án còn lại rất lớn, trong khi thời gian còn lại rất ít.
Đại diện nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn, đơn vị liên danh thi công Dự án cho biết, đáng ra, Dự án đã xong từ năm 2020, nhưng việc giải phóng mặt bằng rất chậm, khiến dự án kéo dài. Đến nay, trên phần thi công của nhà thầu Trường Sơn vẫn còn khoảng 800 m chưa giải phóng xong mặt bằng.
“Dự án kéo dài khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nút thắt mặt bằng chưa dứt điểm, thì nay đến ‘bão giá’”, đại diện nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn kêu khó.
Nhà thầu Trường Sơn khẳng định, sẽ nỗ lực thông tuyến như thời hạn mà chính quyền Thành phố đặt ra, song điều đó còn phụ thuộc vào việc giải tỏa mặt bằng của Dự án.
Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, chủ đầu tư Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây cho biết, có tình trạng thi công cầm chừng. “Qua rà soát, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu triển khai như tiến độ đã cam kết”, ông Huy cho biết.
Có tiếp tục gia hạn?
Không riêng Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây, mà các dự án giao thông trọng điểm khác của TP. Đà Nẵng cũng đang chật vật xoay xở trong cơn “bão giá”. Ngoài ra, nguồn cung khoáng sản xây dựng thiếu hụt cũng khiến các dự án gặp khó.
Theo ông Lê Văn Dũng, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng, để phát triển đô thị, nhu cầu vật liệu xây dựng tại Thành phố ngày càng tăng. Trong bối cảnh giá vật liệu tăng cao, lại có tình trạng độc quyền, găm hàng, tạo khan hiếm để đầu cơ nâng giá. Điều đó dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, nhất là mỏ đất đắp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các công trình, dự án trọng điểm, động lực chậm tiến độ.
Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, Thành phố hiện có 20 mỏ được cấp phép khai thác. Trong đó, trữ lượng khai thác đá là 800.000 m3, trữ lượng khai thác đất là gần 1,5 triệu m3. Tuy nhiên, các dự án trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn 2022- 2023 cần tới 1,7 triệu m3 đất, nên công suất các mỏ hiện tại không thể đáp ứng đủ.
Những khó khăn về giá vật liệu tăng cao, ách tắc mặt bằng và cả thiếu nguồn cung đất, đá đã tạo nhiều áp lực để hoàn thành dự án trọng điểm tại Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Minh Huy, các nhà thầu hiện rất khó khăn, nhưng cơ quan chức năng chưa thể hỗ trợ gì khác ngoài chia sẻ, động viên.
“Nhà thầu đang tổng hợp hồ sơ để đề nghị điều chỉnh giá. Chúng tôi yêu cầu phải phân tích rõ thời gian bàn giao mặt bằng từng khu vực, từng đoạn, để có cơ sở đề xuất. Nhưng trước mắt, phải theo hợp đồng; các nhà thầu phải dùng nguồn tài chính của đơn vị để bù lỗ, chứ giờ không thể khác được”, ông Huy nói.
Việc nhiều dự án động lực, trọng điểm thi công kéo dài, đã buộc TP. Đà Nẵng phải tăng vốn đầu tư để có thể hoàn thành. Đầu năm 2022, HĐND TP. Đà Nẵng đã điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án như tuyến đường Trục 1 Tây Bắc; tuyến đường Lê Trọng Tấn; Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò.
Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021-2025. Văn bản này ấn định cụ thể mốc thời gian hoàn thành của nhiều dự án chậm tiến độ.
Tuy nhiên, với những khó khăn và biến động giá như hiện nay, để về đích đúng hẹn là không dễ đối với nhiều nhà thầu. Với tình hình như vậy, Đà Nẵng có thể sẽ lại phải gia hạn tiến độ cho một vài dự án.