Đồ họa: Thanh Huyền |
Thách thức từ cơ chế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2021 vừa diễn ra, dược phẩm, chăm sóc y tế một lần nữa trở thành chủ đề “nóng” được đưa ra thảo luận bởi đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh Nghị quyết số 12/2021/ UBTVQH15, ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có quy định: “Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”.
“Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ trong việc chỉ đạo để có sự thống nhất chung giữa các cơ quan liên quan để triển khai ngay và có thể áp dụng cho tất cả các loại thuốc, không chỉ những loại thuốc điều trị Covid-19”, ông Alain Cany nói.
Chủ tịch EuroCham cũng bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ sớm sửa đổi các quy định liên quan, bao gồm cả Luật Dược, nhằm loại bỏ hoàn toàn thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc trong năm 2022.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đề xuất sửa đổi Nghị định số 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng Luật Dược để cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp tục tham gia trữ kho và vận chuyển sản phẩm dược, cung cấp sự trợ giúp cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh viện và bệnh nhân trong đại dịch; sửa đổi Thông tư số 32/2018/TT-BYT nhằm đảm bảo các điều chỉnh phù hợp cho việc đăng ký và lưu hành các sản phẩm mới và hiện có.
Các chuyên gia cho rằng, rào cản pháp lý là một trong những lý do khiến bức tranh đầu tư ngành y tế và dược phẩm Việt Nam vẫn chưa “sáng” như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, cần cải thiện pháp lý nhiều hơn nữa nhằm khơi thông vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Tiềm năng vốn ngoại
Kể từ khi Luật Dược (năm 2016), Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Thông tư số 36/2018/TT-BYT có hiệu lực, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phép mở rộng hoạt động kinh doanh của mình khi được trực tiếp xuất, nhập khẩu dược phẩm (thuốc, vắc-xin) sau khi được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược.
Dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục chảy vào lĩnh vực dược phẩm, y tế. Mới đây, ngày 15/2, Công ty Sri Avantika Contractor Ltd., Công ty SMS Pharmaceuticals Ltd. (Ấn Độ) và Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển khu công nghiệp - đô thị Đại An (Hải Dương, Việt Nam) đã ký kết quyết định hợp tác đầu tư Dự án Công viên dược phẩm quốc tế Việt - Ấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Đây là một trong những dự án về dược phẩm lớn nhất Việt Nam với diện tích 960 ha, sẽ được hai doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư với tổng vốn lên đến 10 - 12 tỷ USD. Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn SMS cho rằng, dự án công viên dược phẩm này được thực hiện thành công sẽ là “đòn bẩy chiến lược” để đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.
Không chỉ SMS, Sri Avantika Contractor nhìn thấu tiềm năng lớn của thị trường dược phẩm Việt Nam. Đón đầu tiềm năng phát triển của thị trường, nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia như AstraZeneca, Sanofi, Raphael Labs, Nipro Pharma Vietnam, Daiichi Sankyo gần đây đã quyết định tiếp tục rót vốn nhằm tăng sự hiện tại Việt Nam.
Cuối năm 2021, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại một số nước châu Âu nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP26 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Anh, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, AstraZeneca công bố sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước. Gói này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5.000 tỷ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024, công bố năm 2019.
Cùng thời gian này, Sanofi công bố bổ sung đầu tư, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu với quy mô lên đến 5 triệu EUR, cùng với việc nội địa hóa thông qua chuyển giao công nghệ cho Sanofi Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup và Công ty Raphael Labs (Anh) thỏa thuận hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp. Tập đoàn T&T, Trường đại học Y Hà Nội và Tập đoàn Hipra (Tây Ban Nha) trao thỏa thuận về hợp tác xây dựng Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin tại Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh các nhà đầu tư châu Âu, các “ông lớn” ngành dược đến từ châu Á như Taisho, Nipro Pharma, Daiichi Sankyo… cũng đang đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hiroaki Sasaki, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Nipro Pharma Vietnam cho biết: “Chúng tôi cũng đang tập trung vào việc tạo ra việc làm cho người lao động tại Việt Nam thông qua việc mở rộng các hoạt động kinh doanh sản xuất dược phẩm một cách bền vững”.
Nhà sản xuất dược phẩm lớn của Nhật Bản là Daiichi Sankyo cũng vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Mitsubishi Tanabe Pharma ra mắt sản phẩm Radicava tại Việt Nam. Đây là một trong nhiều kế hoạch kinh doanh mà Daiichi Sankyo sẽ thực hiện tại Việt Nam.
Xu hướng của tương lai
Theo các chuyên gia, xu hướng đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp dược phẩm, y tế hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam sẽ là khám, chữa bệnh từ xa; nhập khẩu và sản xuất vắc-xin; chuyển giao công nghệ và đặt gia công thuốc; đầu tư vào đổi mới và hiện đại hóa hệ thống bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, trường đào tạo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới, nhu cầu về vắc-xin vẫn đang rất lớn. Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu vắc-xin.
Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ và đặt gia công thuốc cũng hứa hẹn là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn. Việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và tốn nhiều thời gian xây dựng, vận hành ban đầu. Vì vậy, với bên chuyển giao công nghệ hay bên đặt gia công, thuốc được sản xuất tại Việt Nam giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển…
Theo ông Ngô Thanh Hải, luật sư chuyên nghiên cứu về lĩnh vực y tế dược phẩm của Công ty Luật TNHH LNT và thành viên, phương thức PPP được Chính phủ khuyến khích áp dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính y tế, phát triển lực lượng y bác sĩ, nghiên cứu và phát triển (R&D), cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dự báo thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân.
“Tiềm năng của thị trường Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao và chắc chắn sẽ mang đến cho họ nhiều cơ hội hơn khi các rào cản được phá bỏ nhờ Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các nghị định liên quan, qua đó, các dự án PPP có thể thực thi và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, luật sư Ngô Thanh Hải nhấn mạnh.