Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 21.6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) và các bộ, ngành trung ương, UBND 28 tỉnh, Thành phố ven biển là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.
Báo cáo tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC bằng một hệ thống văn bản rất đầy đủ. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
Đến nay, sau khi sửa chữa đã phân bổ, lắp đặt lại 2.048 thiết bị, trong đó có 1.622 thiết bị lắp cho tàu cá từ 24 mét trở lên và 426 thiết bị lắp cho tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24 mét làm nghề câu cá ngừ và tàu lưới kéo. Đồng thời đang thí điểm phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của VNPT để kết nối dữ liệu giám sát hành trình tàu cá từ các nhà cung cấp gồm Viettel, VNPT, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, ELcom tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang với khoảng hơn 1.500 tàu cá.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, năm 2018 ngành chức năng đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU; quý I/2019 cấp 856 giấy chứng nhận 12.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nhiều địa phương chưa xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng để tập trung chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
“Xây dựng nghề cá bền vững là nhiệm vụ chính, việc EC kiểm tra chỉ là một phần trong nhiệm vụ. Cố gắng tháo được “thẻ vàng” đối với hải sản, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung”, Bộ trưởng nói.
Trước tình hình thực tế, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, để chấn chỉnh tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, phát triển nghề cá bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã rất nỗ lực để chấn chỉnh tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương ven biển tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế chậm khắc phục trong công tác chống khai thác IUU.
Đồng thời, các đơn vị cần phải tập trung thảo luận, xác định từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền với trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư nguồn lực về vật chất, con người, cách thức tổ chức triển khai thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo ‘Thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.