Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu lại Salbutamol (chất tạo nạc) sau gần 9 tháng tạm dừng do hoạt chất này bị lạm dụng trong chăn nuôi để tạo nạc.
Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan ngại với các loại thực phẩm kém an toàn, đặc biệt là sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi thì quyết định cho phép nhập khẩu lại Salbutamol thực sự khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Vậy, Salbutamol được dùng để làm gì, và tác hại của chất này tới đâu mà khiến người tiêu dùng ngại ngần đến vậy?
Salbutamol là hoạt chất được dùng trong điều chế thuốc và được sử dụng trong điều trị bệnh về đường hô hấp, nhưng đã từng có tình trạng sử dụng trong chăn nuôi để tao nạc. |
Salbutamol là hoạt chất được dùng trong điều chế thuốc và được sử dụng trong điều trị bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, sau khi có phản ánh về tình trạng lạm dụng Salbutamol trong chăn nuôi để tạo nạc trong thịt lợn, tháng 11/2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu này.
Lý giải việc nhập khẩu trở lại Salbutamol, ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết 9 tháng qua, cơ quan quản lý ngừng cấp phép để siết chặt các quy định về nhập khẩu, phân phối và sử dụng hoạt chất này, đồng thời cũng muốn các Công ty đã nhập khẩu sử dụng hết lượng salbutamol hiện có. Nhưng, nếu kéo dài tình trạng này, nguồn thuốc sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Vẫn theo đại diện Cục Quản lý Dược, trước tình trạng nhiều cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc Salbutamol để điều trị, Bộ đã cho phép nhập khẩu trở lại, nhưng kiểm soát bằng việc chỉ cho phép 2 doanh nghiệp là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 được phép nhập mỗi đơn vị 50 kg Salbutamol.
Để quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng sử dụng nguyên liệu làm thuốc Salbutamol không đúng mục đích, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Cục Chăn nuôi, Cục Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất thuốc thú y để không sử dụng nguyên liệu Salbutamol.
Chưa dừng lại đó, Cục Quản lý Dược cũng đồng thời gửi công văn tới Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (C49) - Bộ Công an để chỉ đạo phối hợp kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu Salbutamol nhằm đảm bảo nguyên liệu Salbutamol không bị thất thoát, chỉ được sử dụng để sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.
“Với tinh thần kiểm soát chặt lượng Salbutamol nhập khẩu và sử dụng như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm Salbutamol sử dụng ngoài mục đích sản xuất thuốc chữa bệnh”, vẫn theo Cục Quản lý Dược.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho rằng đợt nhập salbutamol lần này số lượng nhỏ, chỉ 100 kg và đơn vị nhập khẩu cũng như Bộ Y tế đã có phương án kiểm soát sử dụng.
Tuy vậy, điều khiến đại diện Vissan lo lắng là lượng Salbutamol tồn trong những lần nhập trước chưa xác minh sẽ nhân cơ hội này tuồn ra thị trường. Do vậy, việc kiểm soát đường đi của 100 kg salbutamol cần hết sức chú ý đến số lượng thực tế so với giấy tờ.
Thời gian qua, việc sử dụng thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi lo sợ của nhiều người dân, và chính phủ, cũng như các bộ ngành liên quan đã có nhiều chiến dịch ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn đang sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và trồng rau, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm 2014 và 2015, có khoảng 9.140kg Salbutamol đã được nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất thuốc, nhưng trong đó có trên 6 tấn đã được bán ra thị trường và khoảng 3 tấn còn nằm trong kho của các doanh nghiệp, nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định để sản xuất dược phẩm, số lớn còn lại đã bị sử dụng không đúng mục đích, khi bị lạm dụng làm thành chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Hà Minh Đức, Sáng lập thương hiệu Thực phẩm sạch Clever Food với chuỗi 6 cửa hàng tại Hà Nội cho biết, chất tạo nạc trong chăn nuôi không chỉ làm hại người tiêu dùng mà hại chính những người chăn nuôi không chân chính, bởi, nếu kiểm soát không tốt và người chăn nuôi không chấp hành nghiêm sẽ tạo tâm lý hạn chế sử dụng thịt.
Thực tế, cuối năm 2015, khi kết quả kiểm tra một số trang trại tại Đồng Nai sử dụng chất Salbutamol trong chăn nuôi, các tiểu thương tại ở Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Tân Bình, Bà Chiểu, Bến Thành đã gặp khó khi lượng thịt lợn tiêu thụ giảm khoảng 30% - 40%..
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng ăn phải thịt chứa chất salbutamol tạo nạc có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chất này khi tác động vào hệ cơ, hệ mạch sẽ gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch nếu sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất tạo nạc còn có khả năng tử vong.