Ô tô - xe máy
“Kịch bản” khi Toyota ở lại Việt Nam
Thanh Hương - 10/03/2017 07:17
Kế hoạch tiếp tục giảm số lượng mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam trong thời gian tới của Công ty Toyota Việt Nam (TMV) khiến nhiều người cho rằng, tên tuổi hàng đầu trong làng ô tô thế giới này không còn quan tâm nhiều tới sản xuất tại Việt Nam.
Xe Fortuner dừng lắp ráp tại Việt Nam từ năm 2017 (Ảnh: mẫu xe Fortuner mới được giới thiệu đầu năm nay tại TP.HCM)

Chỉ lắp ráp 2 - 3 mẫu xe

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV mới đây cho hay, Công ty đã phải thu hẹp các mẫu xe đang sản xuất tại Việt Nam, từ 5 mẫu trước năm 2017, xuống còn 4 mẫu kể từ năm 2017 và đang cân nhắc có thể chỉ còn lắp ráp 2 - 3 mẫu xe tại Việt Nam.

Việc giảm số mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam được TMV lý giải là để tập trung tăng sản lượng cho các mẫu xe còn lại được lắp ráp nhằm giảm chi phí.

Hiện sản lượng của TMV đạt 50.000 xe/năm. “Nếu TMV giữ được mức sản lượng này thì sẽ duy trì sản xuất tại Việt Nam”, ông Toru Kinoshita nói.

TMV bước chân vào Việt Nam từ năm 1995 với vốn đầu tư ban đầu là 49,8 triệu USD, dây chuyền sản xuất và lắp ráp gồm 3 công đoạn là hàn, sơn, lắp ráp. Tới thời điểm hiện nay, tổng mức đầu tư của TMV tại Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD. Từ chỗ chỉ sản xuất 2 xe/ngày hồi năm 1996, quy mô sản xuất sau 20 năm của TMV đã tăng lên 185 xe/ngày.

Năm 2016, TMV bán được hơn 57.034 xe ô tô các loại (kể cả nhập khẩu), trong đó các mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam là 50.381 chiếc, gồm

Fortuner (11.585 xe), Innova (11.344 xe), Vios (17.561 xe), Camry (4.674 xe) và Corolla Altis (5.217 xe).

Dẫu vậy, vào đầu năm 2017, TMV đã quyết định dừng lắp ráp mẫu xe Fortuner tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Đáng nói là, mẫu xe Fortuner được dừng lắp ráp tại Việt Nam lại có sản lượng bán hàng lớn thứ 2 trong số các mẫu xe đang được sản xuất tại Việt Nam trong năm 2016.

Với thực tế này, có thể không khó khăn để đoán định những mẫu xe tiếp theo như Camry, Corolla Altis có nguy cơ cao nhất nằm trong danh sách dừng lắp ráp tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, nhất là khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về là 0% năm 2018.

Lý giải việc thu hẹp số lượng mẫu xe được sản xuất tại Việt Nam, ông Toru Kinoshita cũng nhắc tới áp lực cạnh tranh từ việc giảm mạnh thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN. Bởi vậy, việc giảm bớt số lượng mẫu xe lắp ráp để gia tăng sản lượng các mẫu xe còn lắp ráp tại Việt Nam cũng được TMV kỳ vọng giảm chi phí sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh.

Chờ thị trường lớn

Trong số các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam được Bộ Công thương đưa ra thảo luận hiện nay có việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, nhằm khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, với những người theo dõi ngành công nghiệp ô tô 20 năm qua thì ý tưởng này đã từng được đặt ra trước đó bởi chính các hãng xe Nhật Bản, nhưng việc này không trở thành hiện thực.

Quay trở lại với TMV, từ tháng 7/2004, doanh nghiệp này đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất và xuất khẩu phụ tùng cho dòng xe đa dụng Innova trong chiến lược toàn cầu của Toyota.

Với sản lượng gia tăng mạnh, kế hoạch của TMV là đạt tỷ lệ nội địa hóa Innova ở mức 37% vào năm 2008, sau đó tăng lên 40% vào năm 2009 và đạt 45% khi thế hệ mới của Innova được giới thiệu tại Việt Nam.

Thực tế, sau khi đạt mức tỷ lệ nội địa hóa 37%, dòng xe Innova đã không có thêm  chuyển động đáng chú ý nào về tỷ lệ nội địa hóa. Nguyên nhân chính là do các chính sách với ô tô liên tục thay đổi, đặc biệt là việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ ngày 1/4/2009. Ngay lập tức, TMV chỉ duy trì được sản lượng khoảng 7.500 xe Innova trong năm 2010, giảm tới 50% so với năm 2008. Cả năm 2016, sản lượng bán hàng của Innova chỉ đạt 11.344 xe, thấp hơn cả xe Fortuner.

So với các nước ASEAN, Việt Nam tuy có cơ sở sản xuất của Toyota Motor, nhưng quy mô rất nhỏ. Tại Thái Lan, doanh số bán hàng của Toyota là 637.128 xe trong tổng số 1.944.417 xe toàn thị trường. Tại Philippines, con số tương tự là 158.728 xe trên tổng thị trường là 359.572 xe. Tại Indonesia, Toyota bán được 382.651 xe trong tổng số 1.061.015 xe của cả thị trường.

Cũng theo TMV, thị trường Việt Nam chỉ bằng 1/6 quy mô thị trường Indonesia, bằng 1/5 quy mô thị trường Thái Lan, nhưng lại có nhiều mẫu xe, nên sản lượng của mỗi mẫu xe rất nhỏ. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất xe tại Việt Nam có thể cao hơn 20% so với chi phí sản xuất mẫu xe tương tự tại Thái Lan và Indonesia.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi TMV quyết định thu hẹp số lượng mẫu xe sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc và chỉ duy trì sản xuất ở một quy mô nhất định, chờ tín hiệu thị trường.

Theo dự báo của Bộ Công thương, sự bùng nổ nhu cầu sử dụng và phổ cập ô tô tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ khoảng năm 2025.

Tin liên quan
Tin khác