Doanh nghiệp
Kích hoạt hiệu ứng FOMO từ nhà đầu tư tiềm năng
Đức Thọ - 31/03/2024 15:43
Thay vì nghĩ rằng, mình đang ở “cửa dưới”, start-up có thể kích hoạt cảm giác FOMO (fear of missing out - hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ) ở nhà đầu tư, từ đó tăng khả năng gọi vốn thành công.

Trong nhiều thương vụ tiếp xúc với quỹ đầu tư, các nhà sáng lập thường tự đặt mình ở vị thế thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng không tích cực đến hiệu quả gọi vốn, bởi nếu biết cách tạo ra lợi thế, các nhà sáng lập hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình ra quyết định của quỹ đầu tư, cũng như có được những điều khoản đầu tư có lợi hơn cho start-up.

Từ kinh nghiệm của một nhà đầu tư mạo hiểm, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam chia sẻ, không chỉ start-up sợ không gọi được vốn, mà chính các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cũng sợ bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt, hay còn gọi là hiệu ứng FOMO.

Dựa trên sự thấu hiểu đặc tính này của giới đầu tư, start-up có thể tạo lợi thế trong đàm phán bằng cách chứng minh cho quỹ đầu tư thấy, đầu tư vào start-up là một cơ hội tốt và start-up đang có nhiều sự lựa chọn. Nếu không nỗ lực để được chọn, chính quỹ đầu tư sẽ đánh mất cơ hội của mình.

“Một khi nhìn thấy start-up đang thu hút được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểu khác cùng tham gia rót vốn, thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng đặc biệt chú ý hơn để cân nhắc và không bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư này”, đại diện Genesia Ventures chia sẻ.

Không chỉ start-up sợ không gọi được vốn, mà chính các quỹ đầu tư/nhà đầu tư cũng sợ bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt, hay còn gọi là hiệu ứng FOMO.

- Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam

Để kích hoạt hiệu ứng FOMO từ phía rót vốn, các nhà sáng lập có thể chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng những thông tin về các nhà đầu tư đã tham gia trước đây, cũng như những người đang cân nhắc và đã đề nghị đầu tư vào start-up trong vòng gọi vốn tiếp theo.

Tuy nhiên, start-up cần đặc biệt lưu ý, xác định mọi thông tin đưa ra phải chính xác. Nếu cố tình tạo FOMO “ảo”, nhà sáng lập sẽ phải trả giá bằng chính uy tín của mình trước giới đầu tư.

Một khi hiệu ứng FOMO được kích hoạt, các nhà đầu tư vẫn còn cân nhắc sẽ có xu hướng tích cực hơn và ra quyết định nhanh hơn. Điều này sẽ tạo đà để start-up có thể nhận được nhiều lời mời đầu tư, có nhiều sự lựa chọn hơn, đồng nghĩa start-up có lợi thế thương lượng trên bàn đàm phán. Càng có nhiều sự lựa chọn khác nhau, start-up càng khiến các nhà đầu tư phải nỗ lực hơn để đưa ra những đề xuất đầu tư tốt hơn, với hy vọng được start-up lựa chọn làm nhà đầu tư.

Trong nhiều trường hợp, start-up có thể đa dạng hóa các nguồn tài chính, ví dụ tìm kiếm khoản vay từ tổ chức tài chính, khoản tài trợ, tiếp cận nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp uy tín đầu tư…, từ đó cho quỹ đầu tư thấy, nếu không có họ, start-up vẫn đủ sức phát triển. Song, theo bà Hoàng Thị Kim Dung, đỉnh cao của kênh huy động vốn vẫn là dòng tiền đến từ chính khách hàng của start-up.

“Start-up càng làm chủ được dòng tiền này, thì càng có sự hấp dẫn và lợi thế thương lượng lớn đối với các nhà đầu tư”, bà Hoàng Thị Kim Dung kết luận.

Tin liên quan
Tin khác