Năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa Huawei Technologies Co vào “danh sách đen”, đa phần các công ty Mỹ ngay lập tức cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan, bao gồm cả các công ty nằm trong chuỗi cung ứng của Huawei.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ. Seagate Technology Holdings Plc vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng hoá cho Huawei, thậm chí hưởng lợi nhờ không còn đối thủ. Giá trị hàng hoá bán cho Huawei tăng từ khoảng 7,4 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD.
Tháng 4/2023, Bộ Thương mại Mỹ công bố, Seagate chấp nhận chịu mức phạt lớn nhất trong lịch sử liên quan tới việc vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu. Con số 300 triệu USD nộp phạt là tín hiệu rõ rệt cho thấy giới chức Mỹ ngày càng nghiêm túc với chính sách kiểm soát xuất khẩu.
Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden tiếp tục sử dụng công cụ này như biện pháp “trừng phạt” đối với Nga và gia tăng áp lực với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ sở hữu “danh sách đen”, vốn được biết đến với tên gọi theo luật định là Danh sách thực thể (Entity List), bao gồm các cá nhân, tổ chức được cho là đã tham gia vào các hoạt động đe doạ tới an ninh quốc gia và các lợi ích của nước Mỹ.
Trong những năm gần đây, danh sách này đã tăng lên con số hơn 600 thực thể Trung Quốc, bao gồm các công ty lớn như Inspur Group - doanh nghiệp sản xuất máy tính, Semiconductor Manufacturing International Corp - nhà sản xuất chip… Sau sự kiện Mỹ bắn hạ các khinh khí cầu vào tháng 2/2023, danh sách này có thêm 6 công ty Trung Quốc được phía Mỹ xem là có liên quan tới các chương trình sử dụng khí cầu do thám của Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với các tổ chức “phớt lờ” quy định kiểm soát xuất khẩu. Mới đây, Cục An ninh và Công nghiệp Mỹ (BIS), một cơ quan thuộc Bộ Thương mại cho biết đã phạt một số doanh nghiệp vì cung cấp công nghệ cho doanh nghiệp Nga.
Ngày 16/5, chính quyền Mỹ cũng công bố các vụ bắt giữ đầu tiên xuất phát từ vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu, bao gồm một cá nhân bị buộc tội đã đánh cắp công nghệ quân sự với mục tiêu bán cho khách hàng Trung Quốc và 2 cá nhân quốc tịch Nga sinh sống tại Florida với cáo buộc bán thiết bị máy bay, vi phạm lệnh trừng phạt cấm hoạt động kinh doanh với Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra cho tới nay, số lượng thực thể Nga trong danh sách đen của Mỹ đã tăng thêm 500 thực thể, đưa tổng số lượng lên gần 900. Cũng trong giai đoạn này, lượng hàng hoá Mỹ xuất khẩu sang Nga giảm hơn 90% tính theo giá trị.
Số lượng thực thể Nga và Trung Quốc gia tăng nhanh chóng trong danh sách đen của Mỹ. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó để ngăn dòng chảy hàng hoá. Hàng triệu USD hàng hoá sản xuất tại Mỹ, bao gồm chip, thiết bị - linh kiện hàng không và các thiết bị công nghệ cao khác vẫn được bán qua biên giới, khi các doanh nghiệp tìm cách lách quy định kiểm soát xuất khẩu, bằng việc chuyển hàng tới các bên thứ ba như Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Việc kiểm soát xuất khẩu hàng hoá tới Trung Quốc thậm chí còn khó hơn. Năm 2021, trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ chỉ xuất khẩu khoảng 6,4 triệu USD hàng hoá tới Nga. Trong khi con số xuất khẩu tới Trung Quốc là 154 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ coi Trung Quốc là thị trường “sống còn” và việc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang có thể bóp nghẹt sự sống của doanh nghiệp.