Là phương pháp duy nhất để duy trì hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội, song kinh doanh bất động sản trực tuyến chủ yếu chỉ mang tính tham khảo thông tin Ảnh: Trọng Tín |
Kết quả chưa như mong đợi
Mới đây, nhiều môi giới địa ốc đã liên tục chia sẻ trên các nhóm mạng xã hội về việc một doanh nghiệp bán đất nền ở Long An thu về 135 tỷ đồng sau 60 phút livestream tư vấn. Bình luận về thông tin này, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho rằng, doanh thu 135 tỷ đồng chưa phải là con số lớn so với một buổi mở bán hàng theo kênh truyền thống. Đó là chưa kể, con số này đôi khi chỉ là cách để doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi.
Lãnh đạo doanh nghiệp trên cũng thừa nhận, thời gian đầu của dịch bệnh, doanh nghiệp ông cũng mở bán trực tuyến, nhưng không mấy hiệu quả. Hầu như không có hợp đồng nào được chốt. “Trong tháng 6, tháng 7, khách hàng còn có tương tác, giữ chỗ. Từ tháng 8 trở đi, hầu như không còn tương tác từ khách hàng trong những buổi giao dịch trực tuyến. Do đặc thù của bất động sản, nên khách hàng muốn thấy tận mắt dự án trước khi quyết định”, vị này nói.
Luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn Luật sư TP.HCM
Thực ra, đã một thời gian rất dài trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, nhưng rất nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản vẫn “loay hoay” với phương án bán hàng. Việc bán nhà trực tuyến trở nên phổ biến hơn khi có một vài doanh nghiệp lớn áp dụng và tạo hiệu ứng truyền thông lớn. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp môi giới địa ốc thừa nhận hiệu quả không cao.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, việc bán bất động sản online là một việc làm rất khó, doanh nghiệp phải đầu tư lớn về nguồn lực mới có thể thành công. Trong khi các giao dịch bất động sản thành công phải đi qua nhiều bước, từ tìm hiểu thông tin, khảo sát thực tế dự án, kiểm tra tính pháp lý, rồi mới chốt giao dịch, thì đa phần bán hàng online hiện chỉ dừng lại ở bước đầu tiên: giới thiệu thông tin dự án đến thị trường và tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
|
Xem thêm trên Đầu tư Bất động sản: Bất chấp dịch Covid-19, giá nhà đất năm 2021 vẫn tiếp tục tăng |
Quan trọng hơn, theo ông Lâm, các giao dịch mua bán bất động sản luôn đi kèm với các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, như phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai, thủ tục vay vốn của ngân hàng (trong trường hợp khách hàng có nhu cầu). Vì giãn cách xã hội, các cơ quan này ngừng hoạt động, nên đã ảnh hưởng đến các thủ tục mua bán bất động sản. Do vậy, doanh nghiệp có thể tổ chức bán hàng online, nhưng thủ tục mua bán vẫn phải đợi hết giãn cách mới có thể hoàn thiện.
Những rào cản cố hữu
Thị trường bất động sản lâu nay bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tính minh bạch thông tin. Với phương thức bán hàng truyền thống, người mua còn khó nhận được đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án, thì với giao dịch trực tuyến, vấn đề này còn khó khăn hơn.
Điều đáng nói, việc chủ đầu tư phải công khai thông tin pháp lý đã được luật hóa, nhưng thực tế, việc này gần như bỏ ngỏ. Luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, khoản 1, Điều 6, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án, hoặc tại sàn giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, thông tin trên website của doanh nghiệp đa số là tin tức, hình ảnh PR cho dự án bất động sản. Một số doanh nghiệp có làm, nhưng thông tin cũng hạn chế, chưa đúng và đủ theo quy định của pháp luật.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, phương thức bán nhà trực tuyến chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín, đã có tên tuổi đối với khách hàng trên thị trường.
Một nguyên nhân khác khiến hiệu quả của việc bán bất động sản trực tuyến chưa cao, theo bà Hương, là do tính đặc thù của bất động sản. Đây là sản phẩm có giá trị cao, nên thói quen mua bán trực tiếp của khách hàng khó có thể thay đổi ngay.
“Nếu là thương hiệu uy tín, khách hàng đã biết sản phẩm, biết dự án từ trước, thì có thể thuận lợi hơn trong việc chốt giao dịch. Còn với các thương hiệu nhỏ, khách hàng chưa biết đến tên tuổi của doanh nghiệp, thì họ cần thêm trải nghiệm thực tế để đánh giá và lựa chọn”, bà Hương nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn, niềm tin và tính pháp lý là bài toán chưa thể giải quyết ở thị trường Việt Nam. Hiện tại, kênh online ở Việt Nam chỉ chủ yếu mang tính tham khảo thông tin như giá cả, vị trí bất động sản.
Chia sẻ vấn đề này, ông Thiệu Lê Bình, Phó giám đốc Khối Chiến lược - Đầu tư của Tập đoàn Hưng Thịnh, kiêm Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, để giải quyết vấn đề niềm tin và pháp lý, cần sự góp sức của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
“Trước mắt, ở vai trò doanh nghiệp, chúng tôi phải tạo ra nền tảng công nghệ toàn diện, minh bạch, để qua thời gian làm thật, công nghệ thật sẽ tạo ra niềm tin. Giải pháp kinh doanh của chúng tôi là phải kết hợp cả online và mô hình truyền thống”, ông Bình nói.