Sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư U&I. |
- Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư U&I
Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế; rằng phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân; phải coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Tôi thật sự mong rằng, các vị lãnh đạo cũng hiểu vấn đề như vậy.
Phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng có thể gọi là doanh nghiệp tư nhân dân tộc như một số người đã dùng, trở thành động lực chính của nền kinh tế chính là cách thức tạo ra sự bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Thế nhưng, trên thực tế, cơ hội để doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể lớn mạnh và đảm đương được vai trò động lực chính này đang rất hạn hẹp. Nếu chúng ta cứ làm như đã làm bao năm qua, tôi e rằng, lực lượng này sẽ ngày một yếu đi.
Cũng phải nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Đặt ra những chính sách ưu đãi riêng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước là việc đi ngược lại với khuynh hướng chung và khó được chấp nhận.
Việc nên làm nhất vẫn là tạo ra được môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, công bằng, minh bạch, hiệu quả, cạnh tranh được với môi trường kinh doanh ở các nước tốt nhất. Khi đó, doanh nhân sẽ có niềm tin, có hứng thú làm nhiều hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn. Doanh nghiệp chỉ có thể lớn được khi ở trong môi trường như vậy.
Khi Việt Nam là quốc gia có môi trường kinh doanh thật tốt như tôi đã nói ở trên, thì mới có thể là quốc gia khởi nghiệp như mong muốn của rất nhiều người.
Doanh nghiệp và chính quyền cùng “vượt rào”.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái. |
- Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Kinh tế tư nhân là động lực của phát triển, đó là tất yếu. Có thể nhìn thấy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, từ tỷ trọng trong GDP, tạo việc làm, đóng góp ngân sách… ngày càng tăng.
Khi kinh tế tư nhân chưa thực sự được nhìn nhận, vai trò và động lực cũng đã thể hiện rõ. Có thể thấy trong những bước chuyển trong nông nghiệp, nhờ có khoán hộ - biểu hiện sơ khai nhất của kinh tế tư nhân - mà Việt Nam từ một nước thiếu ăn những năm 80 của thế kỷ trước đã trở thành nước xuất khẩu gạo vào những năm 90.
Nhưng điều này chưa đủ để khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành động lực của nền kinh tế đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng, bước vào cuộc chơi chung với các thể chế kinh tế thị trường hiện đại nhất. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn yếu và thiếu cả về nguồn lực và năng lực. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân vẫn thiếu một môi trường kinh doanh đủ thuận lợi để lớn lên.
Việc đưa được nội dung về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân vào Nghị quyết của Đại hội XII mới chỉ là bước đầu tiên quan trọng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ thay đổi thế nào phụ thuộc vào “đường dẫn” của cơ chế, chính sách cụ thể của Chính phủ.
Doanh nghiệp không thể nghĩ xa, nghĩ lớn nếu trước mắt là vô vàn rào cản thủ tục, hành chính… Chúng tôi kỳ vọng vào quyết tâm “phá rào” của Chính phủ trong thời gian tới, dù biết là cần thời gian. Phía doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi, vượt qua những rào cản hiện tại về tính chuyên nghiệp, minh bạch.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ mạnh khi doanh nghiệp làm giàu chính đáng nhờ cạnh tranh bình đẳng, làm ăn minh bạch, tuân thủ luật pháp, nhờ chiến lược đầu tư dài hạn gắn với trách nhiệm xã hội. Còn nếu doanh nghiệp giàu nhờ tận dụng cơ chế, nhờ các mối quan hệ xin - cho, nhờ buôn gian - bán lận thì đất nước sẽ nghèo. Nghĩa là cả chính quyền và doanh nghiệp phải cùng quyết tâm “vượt rào” thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự là động lực của phát triển.
Chính quyền các cấp cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thạch Bàn miền Trung. |
- Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thạch Bàn miền Trung
Khi thông điệp kinh tế tư nhân là động lực được Đại hội XII phát đi, cộng đồng doanh nghiệp thực sự vui mừng. Chúng tôi muốn thông điệp này với những nội hàm đầy đủ của nó phải được truyền thông sớm nhất đến từng người dân, trước hết là những công chức trong cơ quan công quyền, vì họ sẽ là người truyền tải thông điệp này vào những chính sách cụ thể đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tất nhiên, về phía doanh nghiệp, khi có nhu cầu gia tăng, thị trường mở rộng, thì doanh nghiệp sẽ phát triển. Những năm trước, mỗi năm doanh nghiệp chúng tôi mới đi nước ngoài một hai lần. Nhưng hiện giờ một năm phải đi các nước nhiều lần để xem khu vực và thế giới đang cần gì, có thể làm được gì vì biết rằng, mình đang ở thế yếu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, so với các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do…
Muốn chơi được với thế giới, muốn khớp được vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ là đội ngũ đi đầu, nhưng Nhà nước cần phải hậu thuẫn sát cánh về nhu cầu vốn, đất đai, môi trường kinh doanh công bằng thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh, truyền tải thông tin về cơ chế, chính sách và những xu hướng vận động của thế giới.
Đặc biệt, chúng tôi mong chính quyền các cấp là mắt xích kết nối hiệu quả giữa thành phần kinh tế tư nhân với nguồn lực quốc gia, nắm bắt và thực thi nhanh nhất, dễ hiểu nhất tinh thần của Đại hội, để mọi doanh nghiệp thực sự có niềm tin là mình đang được quan tâm hỗ trợ, chứ nếu có nghị quyết rồi mà 3-4 cấp không trả lời được một câu hỏi thì doanh nghiệp rất khó đi nhanh, khó nâng cao năng lực canh tranh.
Tôi kỳ vọng vào những thay đổi tới đây, đặc biết muốn nhìn thấy tinh thần của Đại hội XII trong hành xử của từng công chức, trong mọi môi trường kinh doanh, môi trường văn hóa, muốn nhìn thấy những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền một cách thường xuyên, sòng phằng vì lợi ích chung của doanh nghiệp và đất nước.
Mỗi doanh nghiệp Việt cũng sẽ nghĩ rộng hơn trong việc sản xuất - kinh doanh gắn kết với trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Khi chúng tôi có môi trường tốt để xây dựng ý thức lớn, chúng tôi sẽ làm lớn.