Tài chính - Chứng khoán
Lạc hậu thuế thu nhập cá nhân
Mạnh Bôn - 06/06/2023 08:13
Luật Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ tới người dân, trong bối cảnh thu nhập giảm, các khoản chi lại tăng đều hàng năm.
Ảnh minh họa

“Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã có trong kế hoạch và sẽ được sửa đổi vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”. Nếu mọi việc diễn tiến đúng trình tự mà người đứng đầu ngành tài chính đã nói trên nghị trường thì sớm nhất cũng phải vào giữa năm 2026 hoặc đầu năm 2027, chính sách “khoan sức dân” thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh mới được thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã phản ánh việc không ít điểm trong Luật Thuế TNCN hiện quá lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, cần phải nhanh chóng sửa đổi, đặc biệt là phải nâng mức giảm trừ gia cảnh để “khoan sức dân” trong bối cảnh thu nhập thực tế của người dân bị giảm so với thời điểm trước Covid-19.

Trong khi đó, nếu cuối nhiệm kỳ này, Quốc hội mới sửa Luật Thuế TNCN, thì hàng triệu người dân đang phải đóng thuế thu nhập, trong đó quá nửa là những người thu nhập không hề cao (đang nộp thuế ở bậc một và bậc 2) sẽ phải chờ ít nhất 3 năm nữa mới được giảm hoặc không phải đóng thuế. Đây là khoảng thời gian chờ đợi khá dài, trong khi thu nhập thực tế của người dân tăng quá thấp so với mức tăng giá cả hàng hóa.

Số liệu thống kê cho thấy, thu nhập của người lao động trong quý I/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng vỏn vẹn 200.000 đồng so với quý IV/2019 (thời điểm trước khi diễn ra Covid-19), tức chỉ tăng 2,85%. Trong cùng thời gian trên, Chỉ số Giá tiêu dùng đã tăng tới 10,29%, chỉ số giá các mặt hàng liên quan đến ăn uống tăng khoảng 15%.

Thực tế, không phải Bộ Tài chính không nhìn thấy sự bất cập của thuế TNCN - sắc thuế có mức độ “lan tỏa” trực tiếp đến cả chục triệu người dân đang phải đóng thuế. Bởi theo rà soát của Bộ Tài chính, trong tổng số 35 điều của Luật Thuế TNCN thì có đến 22 điều phải sửa đổi, bổ sung, tức chỉ còn 1/3 số điều luật hiện hành (bao gồm cả điều quy định về thời điểm thi hành và điều giao Chính phủ quy định chi tiết) là còn phù hợp với thực tế.

Chưa cần bàn tới sự bất cập của những điều khác, chỉ riêng quy định về mức giảm trừ gia cảnh đã cho thấy sự lỗi thời và không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Thuế TNCN là sắc thuế trực thu - chỉ đánh thuế trên phần thu nhập ròng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, sắc thuế TNCN của các nước trên thế giới đều quy định về giảm trừ gia cảnh, tức là trừ đi phần chi chi phí mà cá nhân bỏ ra để tạo ra thu nhập ròng, tương tự như việc khấu trừ khoản chi phí mà tổ chức, doanh nghiệp chi để tạo thu nhập.

Với hoạt động kinh doanh, toàn bộ chi phí đều có hóa đơn, chứng từ; doanh nghiệp nào chi nhiều sẽ được trừ nhiều, chi ít trừ ít, chính vì thế, bình quân mỗi năm có từ 41 đến 48% doanh nghiệp không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do chi phí lớn hơn thu nhập.

Riêng với cá nhân, do các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ, nên các nước trên thế giới ấn định mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ gia cảnh này thay đổi thường xuyên căn cứ vào sự biến động giá cả, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Nhưng với Việt Nam, mức giảm trừ gia cảnh đã được ấn định trong thời gian khá dài, mà chưa bao giờ tính đến sự tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Mỗi sắc luật của Việt Nam có “tuổi thọ” bình quân khoảng 10 năm. Trong thời gian chưa bị thay thế, mỗi sắc luật ít nhất cũng được sửa đổi, bổ sung khá nhiều điều khoản không còn phù hợp với thực tế 1-2 lần. Nhưng với Luật Thuế TNCN, đáng lẽ phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với thực tế cuộc sống, thì kể từ khi ban hành (năm 2007) đến nay, lại chỉ được sửa đổi, bổ sung vài điều khoản đúng 2 lần, trong đó có việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu đồng và hiện là 11 triệu đồng/tháng. Chính sự lạc hậu, bất hợp lý của sắc thuế này càng khiến số người nộp thuế tăng lên và người nộp thuế cảm thấy “ngộp thở” vì thu nhập thực tế bị giảm xuống.

Giá điện bình quân đã tăng 3% và theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nạm, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình. Học phí khu vực công lập, từ mầm non đến đại học, sau 3 năm chưa tăng hoặc tăng chậm do thực hiện yêu cẩu của Chính phủ nhằm “khoan sức dân” trong thời gian Covid-19 và hậu Covid-19, chắc chắn sẽ tăng rất mạnh từ năm học tới theo lộ trình tăng học phí đã được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Viện phí khu vực công lập, giá nước sạch cũng sẽ không “đứng yên”...

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng tất yếu khiến chi phí tạo ra thu nhập của cá nhân tăng lên, khi đó thu nhập ròng sẽ giảm. Do vậy, mức giảm trừ gia cảnh để xác định thu nhập chịu thuế TNCN - vẫn “án binh bất động” cho đến ít nhất giữa năm 2026 - là điều rất khó chấp nhận.

Tin liên quan
Tin khác