Số nhà 149 - Trần Phú (Đà Nẵng) từng được DAMCO đăng ký là trụ sở và địa chỉ kê khai thuế |
Thua lỗ khủng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng vừa có Công văn số 1048/UBND - ĐTĐT gửi các sở: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng về việc thực hiện kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Công ty DAMCO.
Tại công văn này, ông Lê Trung Chính, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã giao 3 Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng khẩn trương tiến hành rà soát, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc sắp xếp, xử lý nhà đất tại DAMCO và việc DAMCO chuyển nhượng 3 lô đất không đúng quy định được đề cập tại Kết luận thanh tra số 15326/KL - BGTVT ngày 29/12/2023 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
“Đề nghị các cơ quan, đơn vị nêu trên khẩn trương xử lý đối với các nội dung liên quan tại Kết luận thanh tra số 15326 và có văn bản gửi về Sở Tài chính trong tháng 4/2024; giao Sở Tài chính tổng hợp kết quả thực hiện và dự thảo nội dung để UBND TP. Đà Nẵng gửi Bộ GTVT, hoàn thành trước ngày 15/5/2024”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký Quyết định số 03/QĐ - BGTVT về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại DAMCO giai đoạn 2010 - 2022. Đây là thời điểm mà Bộ GTVT thực hiện việc giám sát đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DAMCO.
Cần phải nói thêm rằng, DAMCO có xuất thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng. Năm 2006, DAMCO được Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Tại thời điểm này, DAMCO là một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách tại khu vực miền Trung.
Cụ thể, vào năm 1996, đơn vị này suýt chút nữa tham gia vào liên danh xây dựng 1 nhà máy sản xuất ô tô với Nissan (Nhật Bản) với số vốn điều lệ lên tới 110 triệu USD. Dự án này bị đổ vỡ vào năm 2001 do Nissan gặp khó khăn tại thị trường Nhật Bản, buộc phải hủy cam kết hợp tác với DAMCO.
Lô A thuộc A5, Khu vực bến xe Trung tâm, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng có diện tích 1.199 m2, được DAMCO chào giá cạnh tranh chuyển nhượng quyền sử dung đất cho 1 cá nhân với giá trị 13,794 tỷ đồng.
Các tổ chức, cá nhân được nhượng quyền sử dụng 3 lô đất nói trên đều đã từng cho DAMCO vay tiền để nộp tiền chuyển nhượng cho UBND TP. Đà Nẵng.
Vận đen tiếp tục đeo đẳng DAMCO khi tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị liên tục lao dốc do ảnh hưởng của 4 lần di dời địa điểm sản xuất theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng, cùng với sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 6 (năm 2006) và số 9 (năm 2009).
Do tình hình sản xuất không ổn định, doanh thu thấp, người lao động phải di chuyển gần 20 km từ trung tâm TP. Đà Nẵng về Khu công nghiệp Hòa Khánh, đã dẫn đến tình trạng công nhân nghỉ việc hàng loạt.
Tính từ năm 2006 đến cuối năm 2010, hơn 600 cán bộ, công nhân DAMCO xin nghỉ việc. Công ty phải chi trả tiền chế độ nghỉ việc cho người lao động hơn 12 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2010, DAMCO chỉ đạt doanh thu thuần 40,1 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đã âm 46,1 tỷ đồng; lỗ luỹ kế lên tới 87,2 tỷ đồng
Chính các khoản lỗ lũy kế rất lớn được tích tụ nhiều năm đã khiến việc cổ phần hóa DAMCO dù được Bộ GTVT khởi động từ năm 2011, nhưng không thể thực hiện được. Vào năm 2014, khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - Vinamotor, Bộ GTVT đã tách riêng DAMCO để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Do vướng mắc thủ tục về đất đai nên quá trình cổ phần hóa DAMCO đã kéo dài suốt 10 năm qua, với 5 lần tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tại lần xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 9/2018, giá trị thực tế của DAMCO tại thời điểm 31/12/2017 là 87,7 tỷ đồng, nhưng tổng nợ thực tế phải trả là 143,7 tỷ đồng, nên giá trị thực tế phần vốn nhà nước là âm 56 tỷ đồng.
Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt - đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa DAMCO, tổng dư nợ phải thu của DATC tại DAMCO vẫn còn 88 tỷ đồng (nợ gốc 51 tỷ đồng). Thực chất, đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ cổ phần hóa DAMCO theo hình thức mua bán nợ, nhưng bất thành trong những năm trước đó. Ngoài khoản nợ lớn nói trên, DAMCO còn nợ Thành Đạt 21 tỷ đồng và Tập đoàn ô tô số 1 Trung Quốc 17,3 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, do quá trình tái cơ cấu kéo quá dài (gần 10 năm), lại không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, hoạt động của DAMCO trong những năm qua tiếp tục lao dốc không phanh.
Trong năm 2021, DAMCO với 17 lao động chỉ tạo ra được 3 tỷ đồng doanh thu, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, nhưng đã kịp lỗ thêm 3,3 tỷ đồng, đẩy khoản lỗ lũy kế vọt lên 174 tỷ đồng. Từ vị thế doanh nghiệp lớn với hơn 400 lao động vào năm 2006, DAMCO giờ chỉ còn đúng bộ khung với khoảng một chục nhân sự, trong đó hiện cả Giám đốc và Kế toán trưởng DAMCO đều đã quá tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Tại thời điểm 31/12/2022, một tháng trước khi Bộ GTVT thực hiện thanh tra theo Quyết định thanh tra số 03, DAMCO đã lỗ luỹ kế tới 192,4 tỷ đồng (tăng 104,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010); vốn chủ sở hữu âm 151,1 tỷ đồng.
Vi phạm nghiêm trọng
Được biết, ngoài tình hình tài chính bết bát, trong số những vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản trong giai đoạn 2010 - 2022 vừa được Bộ GTVT phát hiện tại DAMCO, đáng chú ý nhất là việc doanh nghiệp này đã thực hiện chuyển nhượng 3 lô đất được giao không đúng quy định.
Cụ thể, tại thời điểm năm 2010 và 2011, DAMCO được UBND TP. Đà Nẵng giao 4 lô đất theo hình thức có thu tiền sử dụng đất (mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh) với tổng số tiền là 15,523 tỷ đồng, gồm: Lô A thuộc A1-2 thuộc Dự án khu tái định cư phía Bắc Bến xe Đông Nam, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, có diện tích 1.435 m2; Lô B thuộc A1-2 thuộc Dự án khu tái định cư phía Bắc Bến xe Đông Nam, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, có diện tích 1.558 m2; Lô A thuộc A5, Khu vực bến xe Trung tâm, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng có diện tích 1.199 m2; Lô B thuộc A5, Khu vực bến xe Trung tâm, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, có diện tích 1.775 m2.
Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, DAMCO chỉ còn quản lý 1/4 lô đất nói trên là lô B thuộc A5 có diện tích 1.775 m2.
Theo Kết luận thanh tra số 15326, năm 2010 và năm 2011, khi đang làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4 lô đất nói trên từ UBND TP. Đà Nẵng, DAMCO đã thuê Công ty TNHH Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Đà Nẵng thẩm định giá, tổ chức chào giá cạnh tranh lựa chọn tổ chức, đơn vị trả giá cao nhất để chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3 lô đất, thu về 34,409 tỷ đồng.
DAMCO đã sử dụng 15,5 tỷ đồng từ nguồn chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3 lô đất này để trả tiền gốc vay và tiền lãi (do tại thời điểm này, DAMCO đã bị âm vốn chủ sở hữu, không có nguồn vốn nên phải vay tiền để có tiền trả cho UBND TP. Đà Nẵng).
Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, DAMCO quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng 3 lô đất (Lô đất A, B thuộc Lô 1-2; Khu đất A thuộc Lô 5) là không đúng đề xuất phương án xử lý đất đã báo cáo với Bộ GTVT và cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; chuyển nhượng khi chưa có phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất, chưa báo cáo và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, việc DAMCO thuê đơn vị thẩm định giá các lô đất làm cơ sở tổ chức chào giá cạnh tranh, mà không tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất 3 lô đất (Lô đất A, B thuộc Lô 1-2; Khu đất A thuộc Lô 5) là chưa đúng với khoản 1, Điều 7, Quyết định số 09/QĐ-TTg; khoản 3, Điều 16, Nghị định số 09/NĐ - CP ngày 5/2/2009, Nghị định số 17/2010/NĐ - CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Vi phạm tiếp theo trong quá trình chuyển nhượng 3 lô đất được Bộ GTVT chỉ ra là, tuy DAMCO đã thuê đơn vị thẩm định giá, nhưng vẫn chưa được Sở Tài chính Đà Nẵng xác định, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt giá bán. Sau khi thu được tiền chuyển nhượng, DAMCO hạch toán số tiền chênh lệch giữa giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng 3 lô đất sau khi trừ chi phí thực hiện trị giá 12,9 tỷ đồng vào thu nhập khác và sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, thay vì nộp vào ngân sách nhà nước. Điều này, theo Thanh tra Bộ GTVT, là chưa phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 1, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg.
Điều đáng nói là, mặc dù đã thực hiện chuyển nhượng 3 lô đất (Lô đất A, B thuộc Lô 1-2; Khu đất A thuộc Lô 5), nhưng DAMCO vẫn tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vào mục đích kinh doanh. Trên cơ sở đó, vào tháng 1/2012, Bộ Tài chính đã có văn bản thống nhất cho DAMCO được giữ lại, tiếp tục quản lý và sử dụng 4 lô đất theo quy hoạch của TP. Đà Nẵng; tháng 2/2012, Bộ GTVT có văn bản thống nhất với Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý 4 cơ sở nhà đất của DAMCO.
Được biết, liên quan đến vi phạm này của DAMCO, Thanh tra Bộ GTVT đã chuyển thông tin đến Công an TP. Đà Nẵng để xem xét, xử lý theo quy định.