Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở nam giới cao hơn ở nữ, nhất là trong độ tuổi trung niên. Đây là bệnh lý gặp phổ biến trên thế giới và Việt Nam, gây ra tình trạng đau âm ỉ thắt lưng trái cho người bệnh.
Các bác sĩ đang can thiệp cho bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu. |
Anh N.T.H, 46 tuổi, trú tại Hà Nội, xuất hiện đau âm ỉ thắt lưng trái 1 tháng nay. Đặc biệt, 2 tuần trước vào viện đau tăng thành cơn dữ dội, đau lan xuyên ra trước xuống bẹn bìu trái, kèm đái máu, không sốt.
Khi đó, bệnh nhân đi khám ở một cơ sở y tế có chẩn đoán sỏi thận niệu quản trái/sỏi thận phải và được kê đơn điều trị nội khoa, nhưng không đỡ đau.
Quá lo lắng trước tình trạng uống thuốc điều trị nhưng vẫn đau thắt lưng trái, vì vậy, bệnh nhân N.T.H quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.
Qua hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, phát hiện bệnh nhân có sỏi ở nhiều vị trí: trong thận và cả niệu quản. Bệnh nhân đã được chẩn đoán: Sỏi thận niệu quản trái.
Để điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản có nhiều phương pháp như tán sỏi nội soi ngược dòng ống cứng, ống mềm; tán sỏi qua da; phẫu thuật nội soi lấy sỏi.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân này sỏi có cả ở niệu quản và trong thận, nên các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp tán sỏi bằng laser sử dụng ống mềm để bảo đảm xử lý được tất cả các vị trí sỏi, an toàn, ít xâm lấn, không đau và bệnh nhân được ra viện sớm chỉ sau 2 ngày.
Đây là một phương pháp ít xâm lấn, không đau, nhưng lại can thiệp được tất cả các vị trí sỏi thay cho phương án sử dụng ống cứng, hay bán cứng trước đây chỉ can thiệp được sỏi ở vị trí niệu quản.
Kỹ thuật này thực hiện đơn giản bằng cách đưa ống nội soi mềm qua đường tiểu lên niệu quản - bể thận, vào các đài thận, sau đó tán vụn sỏi bằng laser mà không phải tạo bất kỳ vết rạch nào trên cơ thể người bệnh.
Theo ThS.BS Đặng Văn Quân, chuyên khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, sỏi tiết niệu là những viên sỏi được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu.
Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài, nên nhiều người quen gọi là sỏi thận. Sỏi thận chiếm tỷ lệ mắc cao nhất (chiếm khoảng 40%).
Thông thường sỏi tiết niệu gây triệu chứng, khi có triệu chứng thì sỏi đã kích thước lớn, hoặc sỏi xuống niệu quản gây tắc nghẽn. Chính vì thế để phát hiện sớm sỏi tiết niệu, người dân cần đi khám định kỳ hàng năm.
Một số triệu chứng mà sỏi tiết niệu có thể gây nên như đau lưng bụng, hoặc vùng hông; tiểu ra máu đại thể do sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu;
Tiểu đục hoặc có mùi hôi do nhiễm khuẩn niệu; thiểu niệu hoặc vô niệu: sỏi thận 2 bên tắc nghẽn, hay sỏi thận trên thận độc nhất; tiểu đau hoặc gắt buốt; tiểu ra sỏi. Triệu chứng toàn thân, bệnh nhân có thể sốt cao lạnh run, buồn nôn hay nôn, phù toàn thân…
Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu đó, bác sĩ khuyên người dân nên đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, suy thận cấp, suy thận mạn...
Theo thống kê cho thấy có tới 12% dân số Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh sỏi tiết niệu. Nhiều người còn rất chủ quan, coi nhẹ biến chứng của căn bệnh này.
Nguyên nhân sỏi tiết niệu từ những thói quen không tốt như không uống đủ nước. Khi cơ thể không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu lắng đọng hình thành sỏi.
Thói quen nín nhịn đi tiểu khi có nhu cầu là thói quen xấu, nhiều người Việt mắc phải. Nhịn tiểu khiến nước tiểu ở quá lâu trong hệ tiết niệu, làm cho các chất tạo sỏi dễ dàng lắng đọng, kết tủa.
Thói quen uống rượu bia quá nhiều không chỉ gây hại sức khỏe, đặc biệt hại gan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
Ăn quá nhiều rau có chứa thành phần oxalat như rau dền, rau muống, rau bạc hà… Oxalat là một hợp chất hữu cơ, khi bổ sung quá nhiều có thể liên kết với các khoáng chất để hình thành sỏi.
Thói quen ăn mặn của người Việt cũng là một lý do gia tăng bệnh sỏi đường tiết niệu.
Lạm dụng bổ sung canxi và vitamin C.
Dị dạng đường tiết niệu như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo túi thừa niệu đạo… khiến cho nước tiểu không thoát hết được ra ngoài. Lâu dần việc lắng cặn từ nước tiểu là nguyên nhân gây ra sỏi. Ngoài ra, một số bệnh di truyền cũng làm tăng nguy cơ gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sỏi tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến thận ứ nước, giãn đài bể thận, khi sỏi lớn sẽ chặn dòng thoát của nước tiểu, khiến nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài.
Viêm đường tiết niệu tái diễn liên tục: Viên sỏi có cạnh sắc nhọn, di động làm trầy xước, chảy máu niêm mạc tiết niệu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
Suy giảm chức năng của thận dẫn đến suy thận: Tình trạng ứ nước tiểu, viêm tiết niệu… kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, lâu ngày sẽ dẫn đến suy thận
Vỡ thận do chứng vô niệu: Khi viên sỏi chèn ép khiến nước tiểu không thể đào thải gây áp lực dẫn đến vỡ thận.