Gemadept có thêm nguồn lực để nâng công suất cảng sau thương vụ bán vốn công ty con. Ảnh: Đức Thanh |
Loạt thương vụ đình đám
Kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) được xây dựng cách đây gần một thập kỷ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cuối cùng cũng đã hoàn tất trong phiên đấu giá đầu tháng 4/2023 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Thay vì chờ tìm một đối tác chiến lược, phương án đấu giá lại cho hiệu quả ngay từ lần đầu thực hiện.
Theo báo cáo kết quả giao dịch, 4 nhà đầu tư mua toàn bộ 120 triệu cổ phiếu với giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 2.568 tỷ đồng. Dù chuyên gia phân tích từ khá nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng về khả năng ghi nhận lợi nhuận tài chính trong quý II/2023 (khoảng 730 tỷ đồng), song Petrolimex vẫn chưa ghi nhận giao dịch này trên báo cáo tài chính.
Tại thời điểm ngày 30/6, giá trị khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết không thay đổi. Nhiều khả năng, giao dịch vẫn cần thêm thời gian để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu.
Thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) “khủng” trên chưa được hạch toán, lợi nhuận của “ông lớn” ngành xăng dầu vẫn có một quý kinh doanh tăng trưởng tích cực nhờ mảng chính là bán lẻ xăng dầu tiếp tục gia tăng thị phần, nhất là khi so sánh với mức nền thấp do nguồn cung xăng dầu khan hiếm trong quý II/2022.
Khác với trường hợp của Petrolimex, khoản lãi tài chính từ thương vụ M&A khủng là một trong những nguyên nhân kéo lại tăng trưởng lợi nhuận cho Gemadept. Giao dịch bán toàn bộ 84,66% vốn Công ty cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ đã mang về 1.844 tỷ đồng lãi từ thoái vốn. Doanh thu hoạt động khai thác cảng giảm gần 13%. Nhờ tăng trưởng ở mảng hoạt động logistics, doanh thu kinh doanh mới bù lại một phần, đi ngang so với cùng kỳ.
Trong khi giá gốc đầu tư chưa đến 340 tỷ đồng, sự phát triển của Cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng những năm qua cùng với vị trí “liền thổ” với bên mua (nhóm cổ đông Vicoship) đã giúp Gemadept “chốt” được mức giá hời để ghi nhận lợi nhuận cùng lượng tiền dồi dào sau thương vụ.
Tương tự, giao dịch bán 50% vốn Công ty tài chính SHB Finance giúp thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 675 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đạt xấp xỉ 2.452 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2023.
Thương vụ chuyển nhượng hoàn tất vào cuối tháng 5/2023, sau hơn một năm kể ngày ký kết hợp đồng giữa SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Ở thời điểm hiện tại, SHB Finance chỉ còn là công ty liên kết của SHB, với tỷ lệ sở hữu giảm còn 50%, tương đương giá gốc vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Tiền lớn để đâu?
Các thương vụ “bán con” ngàn tỷ mang về lượng tiền lớn cho doanh nghiệp. Như trong quý đầu năm vừa qua, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) thoái toàn bộ 24% vốn tại liên doanh Calofic cho cổ đông ngoại Siteki Investment PTE Ltd từ Singapore. Giao dịch mang về 1.585 tỷ đồng doanh thu tài chính và giúp Vocarimex báo lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động kinh doanh. Sau khi chi trả khoản thuế thu nhập lớn, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.260 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, Vocarimex phân bổ tới 1.370 tỷ đồng để cho vay với lãi suất 8%/năm, tập trung chính vào 3 tổ chức, gồm Công ty Đầu tư ATO (640 tỷ đồng), Thực phẩm Nhật Vinh (360 tỷ đồng) và Sài Gòn Trường Lưu Thủy (300 tỷ đồng). Khoản vay có kỳ hạn 3 tháng, đáng lẽ đáo hạn vào trung tuần tháng 7, nhưng tiếp tục được gia hạn thêm 3 tháng.
Lãi tiền gửi trong quý II/2023 của Vocarimex đương nhiên cao gấp nhiều lần cùng kỳ. Tuy vậy, khoản trên không bù đắp được hoạt động chính vốn đã duy trì trạng thái kinh doanh dưới giá vốn từ 3 quý trước đó. Doanh thu tăng, nhưng cứ mỗi 100 đồng thu về lại cần tới 123 đồng chi phí giá vốn, Vocarimex lỗ gộp 109 tỷ đồng và báo lỗ ròng hơn 75 tỷ đồng. Dẫu vậy, tính chung nửa đầu năm, Công ty vẫn lãi ròng 1.186 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt xấp xỉ 9.738 tỷ đồng.
Vocarimex đã được thông qua phương án chi trả cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 30%, thấp hơn mức 100% mà doanh nghiệp này từng phê duyệt. Theo tiết lộ từ phía Vocarimex, lý do phần tiền chi trả cho cổ đông ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là để thực hiện hoạt động đầu tư vào nhiều mảng/ngành khác nhau.
Còn với SHB, thương vụ “bán con” ngoài mang về khoản lãi tài chính, còn giúp gia tăng năng lực tài chính của tổ chức tín dụng chuyên huy động tiền gửi và cấp các khoản tín dụng.
Cho vay cũng đang là lựa chọn mà Gemadept thực hiện phân bổ một phần tài sản tăng thêm. Đến cuối quý II/2023, doanh nghiệp ngành cảng này tổ chức vay thêm khoảng 340 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng tăng thêm 2.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, Công ty không dành thêm vốn cho các khoản đầu tư cổ phiếu hay góp vốn cổ phần vào các doanh nghiệp ngoài ngành chính - điều mà Gemadept từng làm và không mấy “mát tay”. Thay vào đó, các dự án cảng biển được đầu tư mở rộng.
Gần nhất, Công ty đưa vào hoạt động giai đoạn II - Cảng Nam Đình Vũ, với phần công suất được lấp đầy khá nhanh nhờ tiếp nhận khách hàng cũ đang sử dụng dịch vụ tại cảng Nam Hải Đình Vũ đã bán. Theo dự báo từ chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI, với nguồn lực và chiến lược đề ra, Công ty được kỳ vọng có thể tăng gấp rưỡi công suất vào năm 2026.