Lộc Trời lập công ty con vốn 55 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ thành lập công ty con với vốn điều lệ 55 tỷ đồng để kinh doanh bán buôn phế liệu, phân bón, bao bì…
Theo đó, Lộc Trời và 3 công ty con là CTCP Nông sản Lộc Trời; Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời và Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời sẽ cùng góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời.
Lộc Trời hiện có 22 công ty con và 5 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... |
Công ty con mới có vốn điều lệ 55 tỷ đồng, trong đó Lộc Trời góp 41.25 tỷ đồng, tương đương 75% vốn, và cử ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời làm người đại diện phần vốn góp. Tiếp đó, Nông sản Lộc Trời và Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời mỗi bên góp 5,5 tỷ đồng (10%), còn Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời góp 2,75 tỷ đồng (5%).
Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời hoạt động kinh doanh chính là bán buôn phân bón, thuốc bảo về thực vật và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại; bán buôn bao bì các loại. Địa chỉ trụ sở tại số 23 Hà Hoàng Phổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Tại ngày 31/03/2024, Lộc Trời có 22 công ty con và 5 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp...
Xét cơ cấu doanh thu Lộc Trời cho thấy trong quý 1/2024, lương thực - lúa gạo là mảng đóng góp tới 85% tổng doanh thu, đạt gần 3,3 ngàn tỷ đồng, nhưng biên lãi gộp mỏng, chỉ 3,6%. Trong khi mảng mang lại lợi nhuận chính cho Tập đoàn Lộc Trời với biên lãi gộp hơn 32% là thuốc bảo vệ thực vật.
Do lỗ chênh lệch tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao, Lộc Trời lỗ ròng gần 97 tỷ đồng trong quý 1, tăng hơn số lỗ 81 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023, còn cách rất xa mục tiêu lãi 50 tỷ đồng năm 2024.
Vietnam Airlines sẽ thoái vốn khỏi một "con gà đẻ trứng vàng"
Thông tin được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines. Cụ thể, năm nay, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền.
Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) là con gà đẻ trứng vàng của Vietnam Airlines |
Trước đó, Hãng đã đưa vào dự kiến kế hoạch năm 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn.
Ra đời cách đây 30 năm, TCS là liên doanh giữa Vietnam Airlines, SASCO và công ty dịch vụ hàng không Singapore SATS, với hoạt động chủ yếu trong mảng dịch vụ phục vụ hàng hóa. Trong năm 2023, TCS cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với tổng doanh thu đạt 702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 394 tỷ đồng, ROE lên tới 336%.
Tại cuộc họp lần này, HĐQT Vietnam Airlines cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc bổ nhiệm ông Daisuke Suzuki (sinh năm 1972) làm thành viên HĐQT thay thế cho ông Hiroyuki Kometani (vừa nộp đơn từ nhiệm).
Được biết, ông Daisuke Suzuki hiện đang làm Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối chiến lược của hãng hàng không ANA Holdings. Hiện tại, ANA Holdings đang là đối tác chiến lược và sở hữu 5,62% cổ phần tại Vietnam Airlines.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22,64 triệu lượt hành khách, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% năm 2019. Hãng đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, lãi ròng kỳ vọng ở mức 4.233 tỷ đồng.
Tuy vậy, các khoản nợ tái cơ cấu của Vietnam Airlines cũng sắp đến hạn thanh toán, đặc biệt từ tháng 7, sẽ tạo áp lực lớn lên dòng tiền của hãng. Đối mặt với thách thức này, Vietnam Airlines đã chuẩn bị một đề án tái cơ cấu toàn diện, bao gồm việc tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn và cả bộ máy quản lý.
“Năm 2024, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
VNG tập trung phát triển AI
Đặt kỳ vọng vào quá trình tăng trưởng mới, Công ty cổ phần VNG đưa ra mục tiêu doanh thu năm 2024 là hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng 46% so với thực hiện 2023. Đây cũng cũng là mức cao kỷ lục nếu hoàn thành. Đồng thời, hướng đến việc có lãi trở lại với mục tiêu lãi ròng 195 tỷ đồng.
Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập VNG tại Đai hội đồng cổ đông VNG 2024 |
Đặc biệt, VNG sẽ tăng cường đầu tư vào mảng AI (trí tuệ nhân tạo) cùng các công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ. Thông tin được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông VNG năm 2024.
Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập VNG, Công ty hiện là một trong những đơn vị đón sóng AI nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, cả về đầu tư, nghiên cứu, triển khai, và thương mại hóa, tạo ra doanh thu từ AI.
VNG đang ứng dụng AI để phát triển 3 lớp khác nhau: cơ sở hạ tầng, nền tảng và ứng dụng. Trong đó, hạ tầng AI Cloud của VNG đang nằm dẫn đầu, phục vụ đồng thời khách hàng cả trong và ngoài nước. Đối với lớp nền tảng, cuối năm 2023, mô hình Zalo LLM đã được đánh giá đạt 150% năng lực GPT- 3.5, theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt VMLU.
Zalo cũng đang tích cực ứng dụng GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) để nâng cấp dịch vụ cho người dùng, điển hình là AI Avatar - ứng dụng đầu tiên của GenAI do Zalo phát triển đã thu hút 6,8 triệu người dùng trong năm 2023. Trợ lý ảo thông minh Kiki hiện đã được cài đặt trên 600.000 xe ô tô và ghi nhận khoảng 230,000 lượt truy cập mỗi ngày.
Bên cạnh Zalo, mảng “Game” cốt lõi cũng được ứng dụng AI trong quá trình phát hành và phát triển game. Ông Minh cho hay, việc áp dụng AI đang giúp studio game của VNG tiết kiệm 50-70% thời gian và chi phí sản xuất, một số công đoạn có thể tăng hiệu suất làm việc gấp 3 lần so với thông thường.
Tại đại hội, ông Lê Hồng Minh cho biết các khối kinh doanh chủ lực khác của VNG cũng đang đẩy mạnh mục tiêu “Go Global”. GreenNode, thành viên mới của VNG Digital Business đã trở thành đối tác chính thức về dịch vụ đám mây của Nvidia (NCP - Nvidia Cloud Partner), được quyền ưu tiên tiếp cận với nhà máy mô hình AI (AI Factory) và các thế hệ chip AI (GPU) hàng đầu của Nvidia. Ngày 24/6 tới đây, Cụm máy chủ AI Cloud của GreenNode đặt tại Thái Lan, hợp tác với Nvidia và ST Telemedia Global Data Centres, sẽ chính thức khai trương.
Kinh Bắc mở trường dạy nghề sản xuất chip
Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố kế hoạch mở trường dạy nghề để đào tạo công nhân sản xuất chip tại Đại họi đồng cổ đông KBC năm 2024.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) |
Chủ tịch KBC thể hiện sự kỳ vọng đối với việc thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam. Theo đó, tại KCN Tràng Duệ 3, nhiều khách hàng đang chờ đợi để được thuê, toàn nhà đầu tư công nghệ cao. Dự kiến, khu vực này có thể thu hút đầu tư từ 10-15 tỷ USD.
Đây là lý do KBC sẽ giúp chính quyền nhiều địa phương về mặt đào tạo vì Chính phủ đang mong muốn thu hút nhà đầu tư sản xuất chip nhưng hiện hoàn toàn không có nhân lực.
KBC đã tiếp cận nhà đầu tư sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC, “ông lớn” mới nổi nhất là NVIDIA chỉ là nhà thiết kế, còn bên sản xuất vẫn là TSMC. TSMC cũng muốn vào Việt Nam, nhưng khi khảo sát thì nhận thấy nhân lực không có.
Điển hình như TPHCM vừa qua, Intel đầu tư giai đoạn 1 là packaging và testing vào khu công nghệ cao đã nhận được ưu đãi rất cao nhưng đến giai đoạn 2 là giai đoạn sản xuất thì lại bỏ đi. Nguyên nhân không phải đến từ việc TP.HCM không đáp ứng mà bởi vì không có nhân lực, việc đào tạo công nhân sản xuất chip ít nhất cũng phải 3 năm chứ không phải 6 tháng như các ngành nghề khác.
Do đó, KBC đang phối hợp với các tổ chức đào tạo của Đài Loan, Hàn Quốc - hai khu vực sản xuất chip lớn nhất thế giới để mở ra một loạt các trường dạy nghề. Chủ tịch Đặng Thành Tâm trao đổi tại Đại hội.
Ông Đặng Thành Tâm cũng cho biết, bên cạnh phát triển KCN, Công ty sẽ bám vào KCN để tạo giá trị gia tăng, tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn. Trong các KCN của KBC, các dịch vụ đều đầy đủ, sắp tới Công ty sẽ phát triển thêm mảng điện áp mái tại các nhà xưởng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh.
Masan Group vào bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500
Tạp chí Fortune của Mỹ vừa công bố Bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 - Top 500 công ty lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Fortune đưa bảng xếp hạng này tới Đông Nam Á, danh sách gồm các công ty, tập đoàn từ 7 quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Masan Group là Công ty đứng đầu trong bảng xếp hạng của Fortune Trong lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam |
“Với danh sách 500 công ty hàng đầu Đông Nam Á lần đầu tiên được Fortune công bố, chúng tôi muốn hướng sự chú ý đến câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và các công ty lớn nhất đang thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển rất đa dạng của khu vực này”, ông Khoon-Fong Ang, Giám đốc Vận hành của Fortune tại khu vực Châu Á cho biết.
Để lọt được vào bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500, Công ty phải đạt ngưỡng doanh thu tối thiểu là 460,8 triệu USD.
Trong lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, Masan Group là Công ty đứng đầu trong bảng xếp hạng của Fortune với doanh thu năm 2023 đạt hơn 3,2 tỷ USD, khẳng định vị thế hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ trong bối cảnh vĩ mô đầy thách thức trong năm vừa qua.
Năm 2024, lãnh đạo Masan cho biết sẽ tập trung vào phát triển Masan Consumer, thực hiện chiến lược "Go Global" để trở thành đại sứ ẩm thực đến với 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các thương hiệu mạnh, gia tăng định giá lên mức tỷ USD, đồng thời hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Trong số các công ty Việt Nam có mặt trong Danh sách Fortune Southeast Asia 500, nằm trong Top 50 có Petrolimex (vị trí thứ 23), với doanh thu 11,5 tỷ USD; Agribank (37), doanh thu 7,536 tỷ USD; BIDV (39) - 7,518 tỷ USD; Vingroup (45) - 6,777 tỷ USD và Vietinbank (48) - 6,583 tỷ USD.