Techcombank vươn lên ngoạn mục trong bảng xếp hạng lợi nhuận |
Kết quả kinh doanh năm 2018 cho thấy, Vietcombank vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng còn lại với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 18.356 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu năm thứ 3 liên tiếp.
Được biết, ngoài 1.555 tỷ đồng thu được từ thoái vốn tại MBB, EIB, OCB…, lợi nhuận của Vietcombank tăng 63,5% nhờ tăng trưởng từ các mảng thu nhập lãi và ngoài lãi. Cụ thể, dù tín dụng chỉ tăng trưởng 14,9%, nhưng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) phản ánh biên lợi nhuận tăng từ 2,47% (năm 2017) lên 2,91% (năm 2018).
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tăng tín dụng bán lẻ là nguyên nhân giúp mảng tín dụng của Vietcombank hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mảng phi tín dụng tiếp tục mang về nhiều thu nhập với tỷ trọng từ nguồn thu này năm 2018 đã nâng lên 27,8% tổng thu nhập.
Với lợi nhuận trước thuế đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017, Techcombank vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách những ngân hàng có lợi nhuận khủng năm 2018. Đây là ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh đầu tiên ghi nhận lợi nhuận vượt mức 10.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của Techcombank năm qua đạt 21,5% và lợi nhuận ròng trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 2,9%. Kết quả tích cực này được lãnh đạo Ngân hàng lý giải là do sự tăng trưởng từ tất cả các mảng kinh doanh của Ngân hàng.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng đạt 20% trong năm 2018. Chất lượng tài sản được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu cuối năm giảm xuống 1,8%. Trong mảng khách hàng doanh nghiệp, dư nợ tăng 49%, doanh thu tăng 33% so với năm 2017. Hoạt động bán lẻ cũng tăng trưởng mạnh với cho vay mua nhà tăng 20%, tỷ trọng cho vay cá nhân trên tổng danh mục cho vay đạt 45%. Tổng thu nhập hoạt động đạt 16.972 tỷ đồng, tăng 10%.
Vị trí tiếp theo là BIDV với lợi nhuận trước thuế là 9.600 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 1.283 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.214 nghìn tỷ đồng. Dư nợ ngắn hạn đạt 60,4% tổng dư nợ. Vòng quay vốn tín dụng ngắn hạn đạt 3,9 vòng - cao nhất từ trước đến nay. Tổng huy động vốn đạt 1.202 nghìn tỷ đồng; đáp ứng cho nhu cầu tín dụng và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định.
Điều đáng nói, năm 2019, ông lớn nằm trong nhóm “big four” này (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn 10.642 tỷ đồng, tiếp tục thấp hơn Techcombank với 11.750 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), mặc dù quá trình xóa nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua, nhưng dự báo Ngân hàng vẫn cần thêm 2 - 3 năm trích lập dự phòng quyết liệt nữa để xử lý phần lớn nợ xấu tồn đọng. Do đó, dù tổng thu nhập hoạt động có thể tăng trưởng mạnh khi Ngân hàng chuyển hướng sang tập trung hơn vào bán lẻ, lợi nhuận vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng.
Hơn nữa, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 và đây sẽ là trở ngại của BIDV trong mở rộng dư nợ với tốc độ như mong muốn trong năm 2019. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp rất, dù là theo tiêu chuẩn Basel I, chính là “gót chân Asin” của BIDV và kéo theo nhu cầu vốn cấp 1 rất lớn trong 3 năm tới. Do đó, BIDV là một trong những ngân hàng đã niêm yết có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.
Còn tại VietinBank, tình hình còn khó khăn hơn khi lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 6.834 tỷ đồng, chỉ vượt khoảng 2% so với kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào đầu tháng 12/2018, nhưng sụt giảm tới 27% so với kết quả năm 2017. Với mức lợi nhuận này, VietinBank thậm chí còn xếp sau cả VPBank với lợi nhuận trước thuế là 9.200 tỷ đồng, MB Bank là 7.600 tỷ đồng và Agribank 7.500 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: “Năm 2019,
VietinBank đặt ra 2 kịch bản chưa được tăng vốn và tăng vốn. Trong kịch bản chưa tăng vốn, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng”.
Với những gì đang diễn ra, cơ hội đang rộng mở cho khối ngân hàng thương mại cổ phần có thể vươn lên vượt nhóm “big four”.