Bất lực trước dòng đời
Trong năm qua, các biến động trên trường quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Đặc biệt, tại những tỉnh miền núi xa xôi, người dân nơi đây càng dễ tổn thương hơn trước những “cơn gió ngược” của nền kinh tế.
Nhiều người dân vùng cao không dám nghĩ đến việc có được một căn nhà tử tế, trong cảnh bản thân vẫn đang phải lo chạy ăn từng bữa. Ảnh: Thanh Vũ |
Anh Vàng A Dỉa, người dân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, đã thất nghiệp hơn 3 tháng nay. Trước đây, anh làm việc tại một xưởng gỗ. Tuy nhiên, do doanh thu giảm, chủ xưởng buộc phải cắt giảm nhân sự và thật không may, anh là một trong số những người bị sa thải.
Lấy vợ từ rất sớm, chàng trai sinh năm 2004 này đã buộc phải “chín nhanh” để gồng gánh gia đình nhỏ. Áp lực ngày càng nặng trĩu trên vai khi người vợ vừa sinh con thứ hai trong năm nay. Khi được hỏi về những dự định tương lai, anh Dỉa cũng chỉ biết thở dài và phó mặc cho dòng đời đưa đẩy.
“Nhiều bạn 12, 13 tuổi đã kết hôn, sinh con. Nhà ít thì 2 con, nhiều thì 3, 4 đứa. Cuộc sống khó khăn, các bạn thường bỏ học từ sớm để đi làm”, anh Vàng A Dỉa chia sẻ. Trên các cung đường dẫn tới huyện Bảo Lâm, không khó để bắt gặp hình ảnh những cậu bé chỉ khoảng 9 - 10 tuổi, nhưng đã biết vặn ga, đạp số, lái xe thoăn thoắt để giao hàng. Dẫu vậy, với người dân nơi đây, có việc để làm đã là một may mắn lớn.
Huyện Bảo Lâm là địa phương đặc biệt tại tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi có địa hình chia cắt mạnh, nhiều đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Đời sống kinh tế của người dân cũng vì vậy mà còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm đa số.
“Bảo Lâm là huyện nghèo với 99,44% là người dân tộc thiểu số; 76,52% là hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ khó khăn hầu hết chỉ thu nhập 6 - 7 tạ thóc/năm (dưới 10 triệu đồng); tài sản chỉ có vài con gà hoặc lợn”, ông Đoàn Trọng Hùng, Bí thư huyện ủy Bảo Lâm cho biết.
Khó khăn không ngăn cản được tình người
Tình hình khó khăn bao trùm lên cả nền kinh tế. Gần như mọi ngành nghề từ dệt may, công nghệ… cho đến bất động sản đều trong trong trạng thái điêu đứng. Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp, những trở ngại trên không phải là lý do để vơi đi những nghĩa cử nhân văn.
Mới đây, Công ty Khai thác chế biến Khoáng sản Việt (VMPCo) đã có một chuyến đi hơn 400 km tới huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Công ty đã bàn giao và tài trợ nguồn kinh phí 2,2 tỷ đồng để xây dựng 50 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp còn trao tặng tượng Bác Hồ tại các nhà văn hóa và dành tặng những phần quà cho 50 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Phạm Thị Hoài Phương, Tổng giám đốc Công ty VMPCo.
Với mong muốn chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với phát triển nông thôn mới, VMPCo hy vọng người dân sẽ được sống trong những ngôi nhà êm ấm hơn, từ đó yên tâm chăm lo phát triển kinh tế.
“Đây là những căn nhà được thực hiện từ lời hứa của chúng tôi hồi đầu năm. Dù kinh tế khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên kế hoạch, đã nói được thì phải làm được. Thậm chí, chúng tôi còn lấy làm tiếc vì không thể trao được nhiều căn nhà hơn”, bà Phạm Thị Hoài Phương, Tổng giám đốc Công ty VMPCo, tâm sự.
Chị Dương Thị Dê vẫn chưa hết bất ngờ khi căn nhà xiêu vẹo khi xưa đã được "lột xác" hoàn toàn. Ảnh: Thanh Vũ |
Anh Vàng A Dỉa, với gương mặt đầy hồ hởi, cho biết bản thân đã có thể "thở phào" vào mùa đông năm nay. Căn nhà không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà tiếp còn tiếp cho anh tinh thần để có thêm động lực tìm việc. Một người dân khác tại huyện Bảo Lâm là chị Dương Thị Dê cũng không khỏi xúc động khi đứng trước nơi an cư mới. Nơi chị ở vốn nằm trên một ngọn đồi dốc, việc canh tác gần như là không thể. Bản thân chị cũng không rành tiếng phổ thông nên rất khó để xin việc.
“Từ trước tới nay, chỉ có một mình tôi sống lủi thủi trong căn nhà dột nát. Vào những ngày giông bão, tôi không dám ngủ vì không yên tâm. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của Công ty mà tôi cuối cùng cũng làm được căn nhà. Tôi rất vui và hạnh phúc”, chị Dương Thị Dê chia sẻ trong sự xúc động.
Với truyền thống nhân văn, Công ty VMPCo có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm tới người nghèo, đặc biệt là các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2023, VMPCo đã trao tặng 100 triệu đồng tiền mặt cho Trường Tiểu học thị trấn Pác Miầu; 100 triệu đồng cho Trường Mầm non thị trấn Pác Miầu; tặng 20 suất quà cho các học sinh khó khăn vào dịp khai xuân…
Công ty cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài chính ngân hàng và bất động sản. Trong đó, việc khai thác và chế biến khoáng sản là trọng tâm phát triển.