TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư (Công ty cổ phần Chứng khoán VPS) |
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng và đặc điểm của các thương vụ M&A trên thế giới trong những năm gần đây?
Các thương vụ M&A giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ có chiều hướng suy giảm, nhường chỗ cho các thương vụ M&A giữa các công ty Mỹ và châu Âu, đồng thời hoạt động M&A cũng đang có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta có thể thấy rằng, trong những năm qua, quan hệ hợp tác song phương giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng đi xuống. Các hoạt động M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã giảm mạnh do sự tẩy chay của các doanh nghiệp Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ đã hướng sang “lục địa già” châu Âu để tìm kiếm các món hời, bởi các doanh nghiệp ở khu vực này có nhiều bằng sáng chế, bí quyết hoặc có thể là doanh nghiệp đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung cấp dịch vụ, công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện nay, số thương vụ M&A tại Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm. Theo ông, liệu có sự thận trọng từ phía bên mua hay còn có các nguyên nhân khác?
Theo thống kê, tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022 chỉ diễn ra 12 thương vụ M&A, với 4 thương vụ liên quan đến mảng công nghệ; còn lại là các thương vụ liên quan đến dự án khí đốt, thương mại điện tử, logistics… Số lượng thương vụ M&A giảm sút trong năm 2022, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, một phần bị tác động bởi tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các hoạt động bán ngoại tệ hoặc triển khai các nghiệp vụ OMO, thanh khoản kém dồi dào hơn so với năm 2021.
Đặc trưng của các hoạt động M&A trong nước vẫn đến từ hoạt động của các quỹ đầu tư vốn cổ phần, các quỹ PE; thiếu những đối tác mua chất lượng là các công ty lớn đến từ châu Âu hay Bắc Mỹ. Các đối tác đầu tư lớn tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay đa số đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Cho dù nhu cầu và các thương vụ M&A giữa các khu vực, các quốc gia đang có xu hướng gia tăng, nhưng rõ ràng, các công ty có nhu cầu M&A đang ngày càng thận trọng hơn trong việc chọn đối tác, chọn các doanh nghiệp an toàn, hiểu rõ nguồn gốc, đơn giản, mang lại nhiều giá trị gia tăng, nên ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch đầu tư tài chính với chi phí thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng M&A toàn cầu theo cách truyền thống.
Thưa ông, những nguyên nhân nội tại nào đến từ nền kinh tế ảnh hưởng đến các hoạt động M&A trong năm 2022? Liệu đây có thể là những cơ hội cho các hoạt động M&A tái cấu trúc lớn trong năm 2023 hay không?
Năm 2022 là năm rất đặc biệt khi nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam chưa thoát khỏi bóng ma “đại dịch Covid-19”, thì căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, lạm phát tăng “phi mã” lên mức đỉnh lịch sử của nhiều năm ở một số nước như Mỹ, châu Âu, dẫn đến hiện tượng tăng lãi suất điều hành ở nhiều khu vực, nền kinh tế như Bắc Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc…
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang có những hành động đúng thời điểm nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát và tỷ giá tăng. Các cơ quan này đã buộc phải sử dụng những biện pháp cứng rắn như tăng lãi suất hoặc thậm chí có thể can thiệp mua lại trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô cũng như trấn an cộng đồng đầu tư, mang lại niềm tin nhằm hạn chế và tránh sự đổ vỡ, phá sản hoặc những cú sốc lớn có thể gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh chung, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều thách thức, như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, Chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm liên tục... Với tình hình như vậy, kinh tế vĩ mô cần được ổn định, các chính sách tiền tệ cần linh hoạt điều chỉnh, trong khi vẫn phải nhìn theo động thái của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư đối với kênh đầu tư cổ phiếu, trái phiếu đang vô hình trung gây tâm lý hoang mang trong công chúng nhà đầu tư, cho dù chất lượng cổ phiếu và trái phiếu có thế nào đi nữa. Ngân hàng Nhà nước đang thực việc điều chỉnh tỷ giá, cho dù phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế, bằng kế hoạch bán ròng ngoại tệ, hút tiền từ hệ thống. Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động có thể tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam đang đứng trước lằn ranh đỏ buộc phải đưa ra những quyết định can thiệp nhằm tránh xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu, trái phiếu, có thể gây ra những hệ lụy lớn hơn đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tuyên bố phá sản hoặc nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, trả lãi các khoản vay khó có thể gượng dậy, hoặc sẽ nằm trong diện bị thâu tóm, hay bị bán rẻ, bán đấu giá cho các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính có tiềm lực trên thị trường.
Vậy theo ông, trong thời gian tới, các hoạt động M&A có thể tập trung vào những lĩnh vực nào?
Theo tôi, đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều tài sản có giá trị bị bán tháo, cũng như nhiều doanh nghiệp có thể nằm trong diện tái cấu trúc hoặc bị mua lại (có thể là các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, các fintech, thương mại điện tử, logistics…). Do đó, năm 2023 rất có thể sẽ là năm xuất hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, công nghệ, khoa học, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Một số thương vụ M&A có thể liên quan tới Cholimex, Eximbank, KIDO... Hoạt động thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp dầu khí được các nhà đầu tư tổ chức và các công ty quốc tế quan tâm được dự báo sẽ là tâm điểm của thị trường.