Workshop thực địa “Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm” đã chính thức được khai mạc ngày 15/11/2021.
Nằm trong khuôn khổ của hoạt động thí điểm “Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa", thuộc Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" (Rethinking Plastics), Workshop do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện triển khai với sự hỗ trợ và tham gia của Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD), Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France, Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), cùng tất cả các bên liên quan trong chuỗi thu gom, phân loại, tái chế và xử lý rác thải tại địa bàn phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.
Dưới sự hướng dẫn từ các giảng viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc quốc gia Normandie (cộng hòa Pháp) các nhóm sinh viên Việt Nam và Pháp đã trực tiếp thực hiện các nghiên cứu khảo sát thiết lập các ý tưởng cải tạo và quy hoạch mạng lưới không gian các điểm thu gom, tập kết rác, phân loại rác thải. Ý tưởng xuất sắc nhất đã được triển khai thí điểm thực tế với mục đích thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Tại buổi báo cáo kết quả của Workshop và lễ cắt băng Khánh thành Triển lãm các phương án và mô hình điểm thu gom rác thải diễn ra vào ngày 30/11/2021, ông Rui Ludovino, Tham tán Chính sách hành động khí hậu, môi trường, việc làm và xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình thí điểm, cũng như sự sáng tạo của sinh viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội trong việc tạo ra bộ nhận diện phân loại rác thân thiện, hiện đại và có tính thẩm mỹ cao.
“Mô hình thí điểm này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác và từ đó khiến cho môi trường, cảnh quanh xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn”, ông Rui Ludovino nhận xét.
Cắt băng Khánh thành Triển lãm các phương án và mô hình điểm thu gom rác thải |
Chia sẻ trong buổi lễ, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Điểm thu gom ở vườn hoa Phùng Hưng nằm trong số 11 điểm thu gom rác thải cố định trên địa bàn quận và cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để. Với lượng rác thải ngày một tăng lên thì việc thiết kế và đưa ra giải pháp vừa đảm bảo cảnh quan, vừa thuận tiện với quá trình thu gom vận chuyển rác trên địa bàn là mong muốn chúng tôi đặt ra từ lâu. Dù chỉ có 2 tuần ngắn ngủi để thực hiện, các giải pháp phù hợp đã được đưa ra và một số phương án trong đó sẽ được phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng những thành tựu từ dự án này sẽ góp phần tạo nên một diện mạo mới cho các không gian thu gom và phân loại rác thải trong tương lai", ông Long nói.
Là một trong những người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, chị Nguyễn Thị Huê, công nhân tổ 6 của Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mô hình tập kết rác thải mới này không chỉ giảm bớt áp lực cho những nhân viên thu gom rác giống như tôi, mà còn góp phần xây dựng cảnh quan thành phố ngày càng trở nên xanh, sạch hơn. Mong rằng mô hình này sẽ được nhân rộng để người dân Thủ đô có ý thức hơn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa”.
Bà Fanny Quertamp, Cố vấn cao cấp tại Việt Nam của Expertise France nhận định: “Theo tôi, Workshop đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), bởi đến nay chỉ có một số chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp biết đến khái niệm EPR, còn với người dân, đây là một khái niệm rất mới và rất phức tạp. Chính vì vậy, chúng ta cần từng bước giúp người dân hiểu rõ về việc phân loại và xả rác thải sao cho phù hợp. Tôi rất ấn tượng với những gì mà các bạn sinh viên đã làm trong hai tuần vừa qua, với các thiết kế của các bạn và nhất là việc sử dụng mã QR để cung cấp thông tin về EPR”.
Workshop này nằm trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”, do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ, do Cơ quan hợp tác Đức - GIZ và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France triển khai. Dự án được triển khai tại Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm nhựa ở Đông Á và Đông Nam Á nhằm góp phần giảm đáng kể rác thải biển, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa EU và các nước trong khu vực trong các lĩnh vực của kinh tế tuần hoàn, giảm rác thải nhựa và rác thải biển.