Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, năng lượng của nền kinh tế đang chảy mạnh trong sự hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. |
Thưa Thứ trưởng, có thể nói, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 đang được mở ra với nguồn năng lượng mới, khi lần đầu tiên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm (năm 2022) vượt mốc 200.000?
Có thể nói ngay rằng, các chính sách của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 11/NQ-CP, thực sự là một “liều thuốc” hữu hiệu giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi.
Điều quan trọng, những quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Những con số doanh nghiệp đăng ký mới ngay trong quý đầu tiên của năm 2022 đã thể hiện rõ điều này, vì khi đó, dù dịch bệnh Covid-19 vừa được kiểm soát, nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề.
Quý I/2022 có 34.590 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong quý I từ trước đến nay.
Đà phục hồi ấn tượng của quý I/2022 đã tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong nền kinh tế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong quý II/2022 là 41.643 doanh nghiệp, cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.
Đặc biệt, với 15.001 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tháng 4/2022 trở thành tháng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay khi lần đầu tiên trong lịch sử đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong một tháng vượt mốc 15.000 doanh nghiệp.
Năm 2022 khép lại với con số kỷ lục 148.533 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 27,1% so với năm 2021, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (129.611 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 cũng ghi dấu ấn với 59.835 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên vượt mốc 200.000 doanh nghiệp (208.368 doanh nghiệp), gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Phải nhấn mạnh rằng, con số kỷ lục trên được cộng đồng doanh nghiệp thiết lập trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó đoán định. Đó là những bất ổn do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine; giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; đầu tư, thương mại giảm sút, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại...
Cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn giữ vững tinh thần mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm 2023. |
Tuy nhiên, bước vào năm 2023, có vẻ như những khó khăn, thách thức vẫn chưa giảm đi với cộng đồng doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Thực tế là, sau hơn 2 năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể.
Thêm nữa, với độ mở của nền kinh tế lớn, khi những tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là bắt đầu từ quý IV/2022 và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến thị trường, thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.
Điều này phần nào được thể hiện qua việc quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp có xu hướng giảm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm và có xu hướng chững lại trong những tháng cuối năm 2022, thấp nhất trong nhiều năm qua. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng có sự gia tăng so với năm trước.
Nhưng có một điều tôi muốn chia sẻ là cộng đồng doanh nghiệp vẫn giữ vững tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ, cũng như niềm tin vào các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phục hồi của thị trường, nền kinh tế trong năm 2023.
Chúng tôi nhìn thấy điều này từ kết quả cuộc khảo sát về “Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2022” trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ ngày 29/11/2022 đến ngày 20/12/2022.
51,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh và 51% doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của mình sẽ tốt lên trong năm 2023.
Dù vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn cũng vẫn lớn. Có 84,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang gặp khó khăn, trong đó chủ yếu là các vấn đề về chi phí nguyên liệu đầu vào, nhân công ngày một gia tăng (51,8% doanh nghiệp lựa chọn); tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng, vận chuyển (48,7%); sức mua giảm sút, hàng tồn kho (44,1%); tiếp cận nguồn vốn (38,6%)...
Đặc biệt, doanh nghiệp đang nhắc nhiều đến khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. 43% doanh nghiệp cho rằng, lãi suất cho vay cao; 35,8% doanh nghiệp có ý kiến rằng, thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian; 35,3% doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất của Nhà nước; 31,7% doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.
Chỉ số ít doanh nghiệp cho rằng, khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng đến từ những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp...
Điều này cho thấy, dù doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển, nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, nhất là khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng, để doanh nghiệp tiếp tục vượt lên, tận dụng cơ hội để tìm lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Thưa Thứ trưởng, để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, thúc đẩy niềm tin kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023 sẽ cần thêm những giải pháp gì?
Cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và là trọng tâm được chú trọng trong những năm qua. Sang năm 2023, nhiều tổ chức cũng dự báo, kinh tế nước ta thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn.
Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn.
Để tiếp tục thực thi cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh một cách có hiệu quả và trách nhiệm, kiến nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trực tiếp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-CP của Chính phủ một cách nhất quán, đầy đủ; chú trọng các giải pháp phù hợp với bối cảnh mới, khắc phục những bất cập đang tạo rào cản đối với doanh nghiệp và người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Đặc biệt, cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong cán bộ, công chức thực thi công vụ; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp thực chất hơn; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và có thêm niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế.