Doanh nghiệp
Nếu không thay đổi, nông sản còn ‘tắc đường’
Thế Hoàng - 22/09/2019 11:16
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh từ đầu năm 2019 và sẽ chưa dừng lại, nếu doanh nghiệp không tự thay đổi.
Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, tuân thủ quy định của thị trường sẽ giúp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thuận lợi hơn.

Hẹp đường tiểu ngạch

Kim ngạch xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sắn giảm gần 10%, trái cây giảm 8,1%, riêng gạo giảm sốc tới 67,5%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần do nông sản chưa đáp ứng được các quy định mới mà nước nhập khẩu đưa ra, điển hình với mặt hàng gạo, trái cây…

“Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn, do tập quán kinh doanh của ta chưa chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới, chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Nông, thủy sản xuất tiểu ngạch chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…” , ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá.

Lưu ý doanh nghiệp về sự cần thiết phải thay đổi, nếu không, sẽ tự đánh mất cơ hội, ông Hải cho biết, nông thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường gần 1,4 tỷ dân với nhu cầu hàng chất lượng cao ngày càng gia tăng, nhưng giờ đây, đường đi sẽ hẹp lại đối với những thương vụ trao đổi thương mại tiểu ngạch.

“Đây là xu thế tất yếu và phù hợp với thông lệ quốc tế. Không riêng Trung Quốc, mà nhiều quốc gia khác cũng đã đưa ra quy định kiểm soát chặt hơn chất lượng hàng nhập khẩu”, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch là nhằm đưa việc trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên biên giới trở về đúng nghĩa của nó, không lợi dụng trao đổi thương mại tiểu ngạch để đưa hàng hóa đi khắp Trung Quốc bằng nhiều con đường.

Chính vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, bản thân doanh nghiệp và người dân phải tự đổi mới, thay đổi phương thức sản xuất. “Để kinh doanh trong một thị trường lớn với nhiều quy định ngày càng khắt khe hơn, doanh nghiệp phải tự nỗ lực làm cho mình mạnh hơn, đó mới là con đường lâu dài, bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Đàm phán mở cửa thị trường

Trao đổi thương mại hai chiều năm 2018 giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 106 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 42 tỷ USD (mặt hàng nông, thủy sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu). Riêng ngành hàng rau, củ đạt giá trị xuất khẩu 3,8 tỷ USD, thì xuất sang Trung Quốc là 2,78 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 70%.

Dù vậy, tính đến nay, mới chỉ có 8 loại quả tươi của Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch. Bởi vậy, mấu chốt để mở đường cho làm ăn chính ngạch là cần tiếp tục đàm phán để Trung Quốc mở cửa thị trường với nhiều loại nông sản khác. Nếu không khơi thông thị trường cho nhiều nông sản được xuất chính ngạch, câu chuyện manh mún trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu qua tiểu ngạch (dù rất rủi ro) sẽ vẫn tiếp diễn.

Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP.HCM) từng nhận định, với một thị trường “sát vách” nước ta như Trung Quốc mà chỉ đàm phán xuất chính ngạch được 8 loại nông sản là quá ít. Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều nông sản có thế mạnh như bơ, sầu riêng, dừa, khoai lang…

Nhìn nhận việc Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch là xu hướng tất yếu nhằm quản lý tốt hơn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch hại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng, sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc của nhiều nông sản là tín hiệu mừng. “Đã đến lúc, hàng hóa Việt Nam không thể xuất khẩu phụ thuộc vào con đường trao đổi cư dân”, ông Tùng nhấn mạnh.

Những quy định này trước mắt có thể gây khó khăn cho xuất khẩu, nhưng sẽ tốt cho toàn thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Vì vây, theo ông Tùng, đây là thời điểm để các ngành hàng tái cơ cấu lại sản xuất, quy hoạch lại sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường với những sản phẩm có giá trị cao để tăng hiệu quả xuất khẩu vào Trung Quốc và nhiều thị trường lớn khác.

Điều quan trọng, việc thay đổi tư duy xuất khẩu sẽ giúp nông sản việt không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi khi chất lượng được nâng cao, sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nông dân cũng phải bắt tay nhau để quy hoạch lại vùng trồng, tính toán sản lượng, tránh tình trạng tăng sản lượng quá nhanh trong khi chưa có trong danh sách xuất chính ngạch, sẽ rất rủi ro.

Trong bối cảnh doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang thích ứng với các điều kiện ngặt nghèo về kiểm soát chất lượng, an toàn vùng trồng, cơ sở đóng gói…, sức ép hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm khá lớn. Với riêng rau quả, ông Tùng nhìn nhận, do Trung Quốc chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên chỉ cần sự sụt giảm nhẹ, cũng ảnh hưởng đến cả ngành.

“Hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam cần chú trọng công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất; coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thuỷ sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Việc đảm bảo được tất cả quy trình không chỉ giúp doanh nghiệp luôn cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường Trung Quốc, không tạo ra khủng hoảng dư cung, mà còn đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của mọi thị trường”

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Tin liên quan
Tin khác