Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 9/9 đã bỏ phiếu quyết định duy trì chính sách lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn quan trọng của cơ quan này ở mức 0%, dựa trên cơ sở lãi cho vay cận biên là 0,25% và lãi tiền gửi là -0,5%.
"Dựa trên đánh giá chung về các điều kiện tài chính và triển vọng lạm phát, Hội đồng thống đốc đánh giá rằng các điều kiện tài chính thuận lợi có thể được duy trì với tốc độ mua tài sản ròng theo Chương trình mua vào khẩn cấp thời dịch (PEPP) giảm vừa phải so với hai quý trước", Ngân hàng Trung ương châu Âu nêu trong thông báo.
Giới đầu tư háo hức đợi quyết định chính sách mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu với hy vọng sắp có một đợt kích thích kinh tế mới thời đại dịch, bất luận lạm phát của Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã tăng cao và kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong cuộc họp báo hôm 9/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde cho biết, quyết định áp dụng chính sách tiền tệ được đưa là một "quyết định nhất trí về mọi mặt".
Sau động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu, đồng Euro đã lên giá 0,2% so với đồng đô la Mỹ và giao dịch ở mức 1 EUR "ăn" khoảng 1,1837 USD, trong khi thị trường chứng khoán châu Âu đã cắt lỗ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu tái khẳng định rằng lãi suất sẽ vẫn giữ nguyên ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho đến khi lạm phát đạt mức 2%, và cho đến khi cơ quan này đánh giá rằng lạm phát sẽ ổn định ở mức 2% trong trung hạn.
"Điều này cũng có thể hàm ý sẽ có một giai đoạn nhất định mà lạm phát sẽ ở nhỉnh hơn so với mục tiêu", Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết.
Theo công bố mới đây, lạm phát của Eurozone trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ khi chạm mức 3%, còn GDP của khối này đã tăng 2% trong quý II/2021, vượt dự đoán của các nhà kinh tế.
Chương trình mua vào tài sản thời dịch (PEPP) được Ngân hàng Trung ương châu Âu triển khai từ tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Chương trình này sẽ kết thúc vào tháng 3/2022 với tổng giá trị mua vào dự kiến đạt 1.850 tỷ EUR (tương đương 2.190 tỷ USD).
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu có quan điểm khá khác lạ về nguy cơ lạm phát trở nên dai dẳng thay vì "nhất thời" như nhận thức của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 9/9 đã nâng dự báo lạm phát dài hạn hơn lên 2,2% trong năm 2021, sau đó giảm về mức 1,7% vào năm 2022 và 1,5% vào năm 2023. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá cả mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, hiện được dự báo ở mức 1,3% trong năm 2021, sau đó tăng dần lên 1,4% trong năm 2022, và 1,5% vào năm 2023.
Một số nhà phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thông báo cắt giảm quy mô gói kích thích thời Covid-19 vào tháng 12 tới, khi mới đây Cục dự trữ liên bang Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng cơ quan này có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua vào tài sản vào cuối năm nay.
Philip Lane, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã khẳng định trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng "tháng 9 còn rất xa" so với ngày kết thúc Chương trình mua vào tài sản PEPP. Do đó, rất có thể Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ra thông báo cắt giảm dần chương trình này trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, Chương trình mua tài sản APP sẽ vẫn được duy trì với tốc độ mua vào hàng tháng đạt 20 tỷ EUR, theo Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu. Cơ quan này đã và đang sử dụng chương trình APP kết hợp với chương trình PEPP để duy trì hỗ trợ kinh tế Eurozone trước tác động của đại dịch Covid-19.