Doanh nghiệp
Ngành công nghiệp không khói góp phần cho tăng trưởng kinh tế
Như Loan - 09/01/2020 15:24
Ngành du lịch ngày càng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp để phát huy vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu: đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ USD và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018. Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam được cải thiện đáng kể; trong đó châu Á vẫn chiếm thị phần cao nhất với 79,9% tổng số lượng khách. Bên cạnh đó, vị trí của du lịch Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới.

Những con số trên phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” trong nền kinh tế quốc gia. Về mặt kinh tế, sự phát triển của du lịch đã tác động tích cực để tăng thu nhập quốc dân, đóng góp vai trò to lớn trong cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Về mặt xã hội, du lịch góp phần tạo nhiều việc làm, kích thích khôi phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống; làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương - nơi có các khu du lịch phát triển.

Nhận diện thách thức

Với những chỉ số dự báo đầy ấn tượng và khả quan như trên, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước tương lai đầy hứa hẹn, nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Theo nghiên cứu mới đây của Vietnam Report, ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn như: quản lý khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn thấp; quy định chính sách thiếu đồng bộ; chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hoạt động quảng bá chưa có nhiều đột phá.

Ngoài ra, khả năng cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam còn hạn chế. Điều này thể hiện ở tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, khá đơn điệu, còn trùng lặp giữa các vùng miền và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm…

Tạo động lực phát triển

Du lịch là ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và doanh nghiệp, vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của du lịch, cần phát huy tính chủ động sáng tạo, phân cấp, trao quyền mạnh hơn cho doanh nghiệp, địa phương.

Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực để thúc đẩy các ngành khác phát triển, cần có sự đầu tư thích đáng. Trong bối cảnh đó, vai trò của Chính phủ kiến tạo rất quan trọng. Bên cạnh nỗ lực và quyết tâm của ngành du lịch, nên có cơ chế đặc thù, chính sách đột phá, hài hòa mục tiêu phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.  

Nhóm giải pháp thứ nhất hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hạ tầng du lịch, bao gồm: đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; thực hiện quản lý theo quy hoạch để thu hút đầu tư phát triển bền vững...

Nhóm giải pháp thứ hai hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, bao gồm: xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia.

Nhóm giải pháp thứ ba hướng tới đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Để ngành công nghiệp không khói tiếp đà đi lên, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia, rất cần sự nỗ lực từ nhiều bên. Với những điểm sáng đã có, du lịch rất cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn và uy tín. Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp sẽ đóng góp, tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành và là cầu nối nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tin liên quan
Tin khác