Cho đến thời điểm này, các đơn vị duy tu, quản lý đường bộ ở khu vực phía Bắc vẫn đang phải gồng mình ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe bước 1, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập.
Không chỉ bị ảnh hưởng trên diện rất rộng với hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ tại miền Bắc, đặc biệt là khu vực Trung du miền núi phía Bắc, mưa lũ quá lớn, kéo dài còn uy hiếp sự an toàn khai thác tại nhiều công trình cầu vượt sông ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài cầu Phong Châu bị sập 1 trụ, 2 nhịp, gây tổn thất lớn về sinh mạng, ngành giao thông và chính quyền các địa phương đã phải tạm dừng hoặc dừng khai thác với phần lớn các loại xe qua một loạt cây cầu lớn khác như Trung Hà, Long Biên, Đuống, Vĩnh Phú.
Bên cạnh đó, dù được thiết kế với tần suất thủy văn 1% (tức tần suất trung bình 100 năm mới có một lần xuất hiện lũ hơn cao độ thiết kế), nhưng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ Thủ đô, vẫn bị ngập 1,2 km, với độ sâu 30 - 70 cm. Đây là những hiện tượng chưa từng thấy trong nhiều năm vừa qua.
Thực tế trên phần nào cho thấy sức tàn phá khốc liệt của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đồng thời phát đi cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày một trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Yêu cầu trước mắt đặt ra lúc này với ngành giao thông vẫn là tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các trục giao thông chính. Quá trình triển khai khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công, các hạng mục công trình. Bên cạnh đó, cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên các quốc lộ để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa, đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình.
Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí ngân sách để sớm gia cố các cầu vượt sông có tuổi thọ cao, xây bằng công nghệ cũ; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, xói lở tại các vị trí trụ cầu; lên kế hoạch nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo tần suất đỉnh lũ mới của năm 2024 nhằm tránh tình trạng ngập lụt thường xuyên, gây đứt gẫy giao thông.
Các đơn vị chủ đầu tư cần tiến hành rà soát lại thiết kế, đặc biệt là các vị trí có nguy cơ ngập lụt cao để kiến nghị cấp có thẩm quyền thay đổi thiết kế cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoạn như hiện nay, tần suất thiết kế 1% vẫn chưa đảm bảo khả năng an toàn cho công trình. Quan trọng hơn, các chủ đầu tư cần quán triệt nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT - TTg về việc lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Trong đó, tăng cường kiểm tra năng lực thực tế của đơn vị khảo sát so với hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, bảo đảm chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế...
Chủ đầu tư và tư vấn thiết kế cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm, bảo đảm chất lượng trong công tác đánh giá tác động môi trường. Quá trình thẩm định thiết kế, lựa chọn phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, theo dự báo, sẽ ngày càng khốc liệt, trực diện, mà cơn bão số 3 và hậu quả của nó là ví dụ điển hình.