Gelex liên tục mua lại các lô trái phiếu trước hạn
Theo đó, Gelex vừa mua lại 2 lô trái phiếu. Trong đó, Công ty mua lại toàn bộ lô 400 triệu trái phiếu phát hành ngày 15/4/2020 và đáo hạn ngày 15/4/2023 (kỳ hạn 3 năm); mua lại 222,3 tỷ đồng trong tổng 300 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 13/5/2020 và đáo hạn 13/5/2023 (kỳ hạn 3 năm).
Thời gian mua lại 2 lô trái phiếu là ngày 17/6. Như vậy, sau hơn 2 năm phát hành, Công ty đã mua lại 622,3 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, chiếm 88,9% tổng lượng đăng ký mua ngày 17/6 và còn lại 77,7 tỷ đồng chưa mua.
Được biết, Gelex cho biết kế hoạch sẽ mua lại 700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và ngày 17/6. Tuy nhiên, thực tế Công ty đã không mua hết lượng đăng ký trước đó và còn lại 77,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, trước đó ngày 19/5, Gelex cũng đã mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, trái phiếu phát hành ngày 19/5/2021 và đáo hạn 19/5/2024; mua lại lô 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 31/12/2021 và đáo hạn ngày 31/12/2024.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ 19/5 đến 17/6, Gelex đã mua lại 1.422,3 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Gelex lùi thời gian chi trả 426 tỷ đồng cổ tức
Ở một diễn biến khác, Gelex thông báo điều chỉnh ngày chốt danh sách cổ đông được hưởng cổ tức bằng tiền năm 2021 sang ngày 14/7 thay cho 9/6 trong thông báo trước đó. Đồng thời, ngày chi trả cũng chuyển sang ngày 28/7 thay cho 29/6.
Được biết, Gelex sẽ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng. Như vậy, với 851,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự chi 426 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này.
Gelex cho biết thêm sau khi nộp thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức cho Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Gelex đã nhận được hướng dẫn của HoSE về hồ sơ thông báo. Để đáp ứng yêu cầu của HoSE, Gelex quyết định điều chỉnh ngày chốt danh sách cổ đông.
Xét về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2022, Gelex đặt kế hoạch tổng doanh thu 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng 27,3% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong năm tài chính, đối với mảng phát triển dự án năng lượng, công ty dự kiến phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục đã chuẩn bị đầu tư như: cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW); Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200MW), điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án tiềm năng khác. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo…
Đối với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2 nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án Giai đoạn 2 vào quý IV/2024.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu công nghiệp đang triển khai; khởi công, đầu tư khu công nghiệp mới. Triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu phát triển 4.300 ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị mới…
Riêng quý I/2022, Công ty thực hiện được 8.645 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 96% và đạt 24% kế hoạch năm; lãi trước thuế 901 tỷ đồng, tăng 170% và đạt 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 694 tỷ đồng, tăng 138%.
Gelex lý giải lợi nhuận quý I/2022 tăng mạnh chủ yếu nhờ việc sở hữu chi phối Tổng công ty Viglacera (mã VGC) từ quý II/2021 với tỷ lệ 50,2% và hợp nhất vào báo cáo hợp nhất công ty mẹ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/6, cổ phiếu GEX giảm sàn 1.450 đồng về 19.550 đồng/cổ phiếu.