Phối cảnh dự án Sông Hồng City. |
Trước kỳ họp thứ 7 HĐND khóa XV, khu dân cư số 13 và 14 phường Yên Phụ đã đề nghị TP Hà Nội trả lời rõ về việc Dự án Sông Hồng City có tiếp tục được thực hiện hay không, nếu không, đề nghị xem xét giải quyết để những hộ dân nằm trong dự án được cấp phép xây dựng cải tạo, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống.
Theo tìm hiểu, liên quan đến dự án trên thuộc địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), có khoảng 80 hộ dân với diện tích xây dựng hơn 3.400 m2 (bao gồm nhà tạm, nhà cấp 3, cấp 4) nằm trong chỉ giới quy hoạch Dự án sông Hồng City.
Tập trung chủ yếu là các hộ dân ở khu tập thể Nhà máy điện và một phần khu tập thể F361, trong đó có 23 hộ gia đình sử dụng đất thuộc khu tập thể F361 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 2004. Vì nằm trong vùng quy hoạch, nhiều công trình nhà ở của người dân mặc dù đã xuống cấp, nhưng không được cấp giấy phép cải tạo, xây dựng, trong khi dân số cơ học tăng nhanh nên người dân rất bức xúc. Người dân ở đây đã có nhiều đơn thư phản ánh cũng như góp ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Trong văn bản trả lời cử tri mới đây liên quan đến Dự án Sông Hồng City, là dự án liên doanh với nước ngoài, hiện vướng mắc về quy hoạch, thoát lũ sông Hồng, UBND TP Hà Nội cho biết đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp phần trách nhiệm được phân công của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án này tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, Dự án Sông Hồng City nằm trong ranh giới nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đang nghiên cứu lập, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án cần phải thống nhất đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các quy hoạch do các Sở ngành TP (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường) đang triển khai theo nhiệm vụ được UBND TP giao để cụ thể hóa theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Đầu năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản yêu cầu các Sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng, sau đó, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Đây được xem là một trong những động thái đầu tiên của Thành phố về việc khởi động lại Dự án này.
Trước đó, Dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6 ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ, dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn.
Đề xuất Dự án khi đó là một nhà đầu tư đến từ Singapore với ý tưởng xây dựng Dự án tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương. Đơn vị này cũng thành lập Liên doanh Công ty CP Phát triển đô thị Trấn Sông Hồng để thực hiện dự án với vốn điều lệ 61 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên Dự án đã phải dừng lại.
Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng". Các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực hiện quy hoạch "siêu đô thị" gồm có: Xây dựng tuyến đê mới dài 41,7 km dọc sát lòng sông, gia cố 33,8 km đê hiện có; lập kế hoạch xây dựng kè trên mực nước dài 73,2 km, xây dựng 40,6 km kè bảo vệ phần dưới nước, xây dựng mỏ hàn tại 3 khu vực và 12 điểm; nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 21,7 triệu m3. Tổng kinh phí chỉnh trị sông là 581,2 triệu USD.
Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết vấn đề lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó lường. Do chưa được các Bộ, ngành liên quan chấp thuận nên dự án vẫn chưa thể triển khai.