Trước những biến động không mấy khả quan của kinh thế thế giới, doanh nghiệp Mỹ vẫn nhìn vào Việt Nam với đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng trong trung hạn. Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết điều đó tại Tọa đàm “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì” diễn ra đầu tuần này.
Trước đó, cuối tháng 3, một đoàn gồm 52 tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và hợp tác thương mại. “Từ giờ đến cuối năm, tiếp tục có các đoàn doanh nghiệp Mỹ sẽ đến Việt Nam, lịch dày đến tháng 11”, ông Thành nói.
Mới đây, một doanh nghiệp về dịch vụ lưu trú của Mỹ tiết lộ kế hoạch đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất ASEAN của Tập đoàn. Dự kiến tháng 9/2023, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp sẽ đến Việt Nam.
UPS - tập đoàn chuyển phát nhanh hàng đầu của Mỹ, đã đầu tư 6 máy bay chở hàng có điểm khởi phát từ Việt Nam, đồng nghĩa với tiên lượng của nhà đầu tư này về lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu tiếp tục gia tăng. Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng nhận hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu cũng đầu tư mở rộng phòng lab tại Hải Dương, dù đang có phòng lab hoạt động hiệu quả tại TP.HCM.
Khảo sát mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ghi nhận, 36% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến đầu tư trên toàn cầu của họ. Nhưng để hiện thực hóa và tận dụng cơ hội đón vốn từ châu Âu, Việt Nam phải quyết liệt giải quyết những vấn đề đang là rào cản.
“Đòi hỏi hàng đầu được doanh nghiệp châu Âu đặt ra khi đến Việt Nam là cải cách thể chế, môi trường đầu tư và thủ tục hành chính. Đặc biệt, xu hướng mới trên thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều, nhất là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người”, đại diện Eurocham lưu ý.
Xu thế của dòng vốn đầu tư quốc tế ngày càng tập trung vào công nghệ cao, kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn. Để Việt Nam đón được dòng vốn này, thì môi trường đầu tư kinh doanh cần sự ổn định hơn, hạn chế sự thay đổi hoặc chưa có sự thống nhất về chính sách.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Hữu Thắng cho biết, nhà đầu tư phàn nàn, họ mất 1-3 năm để hoàn thành quy trình, thủ tục cấp phép vì vướng mắc đất đai, cùng hàng loạt sự không đồng bộ của hệ thống luật pháp về xây dựng, quy hoạch, mức ưu đãi). “Có thời kỳ chúng ta đã làm rất tốt, TP.HCM chỉ 7 ngày đã cấp xong giấy phép cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, để làm được vậy không đơn giản, nhưng nếu quyết tâm và có giải pháp đúng đắn, chúng ta sẽ vượt qua”, ông Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham, đã có một số dự án của doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam phải tạm ngừng mở rộng do nền kinh tế chưa đáp ứng được việc chuyển đổi năng lượng xanh theo yêu cầu của nhà đầu tư. Việc EU đưa ra bộ luật mới liên quan tới chuỗi cung ứng ảnh hưởng khá đáng kể đến các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế. Các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư về năng lượng trong tương lai, các doanh nghiệp EU nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy nhanh việc thông qua và triển khai Quy hoạch Phát triển điện VIII.
“Năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược và là điều kiện không thể thiếu với doanh nghiệp EU khi lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng là thế mạnh của EU. Vốn EU vào Việt Nam tăng lên có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh hiện thực hóa cam kết tại COP26”, EuroCham cho biết.