Tài chính - Chứng khoán
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 948 triệu USD trong 6 tháng đầu năm
Anh Hoa - 14/07/2020 11:38
Top các cổ phiếu bán ròng bao gồm VIC, VRE, HPG, VJC và E1VFVN30

Sau đợt tăng mạnh vào tháng 5, VN-Index đã giảm 4,55% trong tháng 6, đóng cửa ở mức 825,11 điểm. Lũy kế từ đầu năm, VN-Index đã giảm 14,14%.

Với mức tăng đến 30% của thị trường chứng khoán chỉ sau 2 tháng (tháng 4, tháng 5), các NĐT ngắn hạn đã có động thái chốt lời mạnh, kể cả ở những mã có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan.

GDP của Việt Nam trong quý 2 đạt mức tăng trưởng dương 0,36% so với cùng kỳ, trái ngược với dự báo tăng trưởng âm trước đó. Song thị trường xem đây chỉ là một tín hiệu ban đầu về tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19 đối với toàn bộ nền kinh tế.

Bởi có khả năng tác động của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong các quý tới. Nói cách khác, sự phục hồi mạnh mẽ của TTCK trong nước trong vài tháng qua có thể phản ánh kỳ vọng về triển vọng kinh tế vượt xa so với thực tế. Ngoài ra, vẫn còn lo ngại về đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19 tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản...

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do dân số đông và trẻ, thu nhập tăng, và sự ổn định về kinh tế - chính trị. Điều quan trọng là cần có những cải cách trong thị trường vốn để thu hút thêm dòng vốn FII.

Dịch bệnh Covid-19 đã kéo mùa ĐHCĐ năm nay từ tháng 4 đến tháng 6. Từ ghi nhận các cuộc họp đại hội cổ đông, bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết đã dần hiện rõ và dường như không quá tiêu cực như thị trường đã lo ngại trước đó.

Nhiều công ty có lợi nhuận quý 2 khả quan như ACB, CTG, DPM, FPT, HDB, HPG, HSG, PHR, POW, PVS, SSI, TCB, TCM, VCB, VIB, VNM, VPB trong khi các công ty trong các lĩnh vực như hàng không và sân bay, dầu khí, bán lẻ và một số cổ phiếu blue-chip như MSN, SAB, GAS, BID có lợi nhuận sụt giảm thậm chí lỗ. 

Thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018, với giá trị giao dịch trung bình (khớp lệnh) trên 3 sàn đạt 264 triệu USD trong tháng 6 (tăng 17,9% so với tháng trước đó và 107,7% so với cùng kỳ năm).

Báo cáo Chiến lược thị trường của SSI cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã mua ròng 596 triệu USD trong tháng, đáng lưu ý có giao dịch thỏa thuận trị giá 650 triệu USD của nhóm nhà đầu tư KKR tại VHM.

Tuy nhiên, nếu không bao gồm thương vụ này, NĐTNN đã bán ròng 55 triệu USD. Dòng vốn ETF vào đạt 27,1 triệu USD trong tháng, trong đó có vẻ NĐT đã chuyển từ quỹ VFM VN30 ETF (23 triệu USD) sang quỹ VFMVN Diamond ETF (36 triệu USD) trong tháng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, nếu không tính các giao dịch của VHM và MSN, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 948 triệu USD, trong đó top các cổ phiếu bán ròng bao gồm VIC, VRE, HPG, VJC và E1VFVN30. 

 Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tham gia vào thị trường vốn thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, hoặc đầu tư vào cổ phần tư nhân hoặc thông qua các quỹ mạo hiểm. FII ảnh hưởng trực tiếp vào khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo đại diện Vinacapital, để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FII thì phải đáp ứng thêm các nhu cầu của nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài muốn có thêm những doanh nghiệp lớn hơn niêm yết trên sàn, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Và càng có nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa thì cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài càng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam cần có một cơ chế thông tin minh bạch rõ ràng và quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác