Doanh nghiệp
Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất: “Hồi sinh” sau 7 năm “treo” vì quy hoạch
Việt Anh - 14/03/2023 08:18
Thông tin về những vướng mắc trong quy hoạch đối với Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất được tháo gỡ đang là tâm điểm dư luận khi một loạt nhà đầu tư lập tức ngỏ ý muốn mua lại.
Trạm nghiền của Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất.

Trong khi đó, chủ sở hữu nhà máy này là CTCP Xi măng Bỉm Sơn vẫn thận trọng đề xuất 2 phương án xử lý: giữ lại tiếp tục hoạt động hoặc thoái toàn bộ vốn đầu tư.

Nỗi khổ 7 năm vì quy hoạch “treo”

Có thể nói, Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất  là điển hình về vướng mắc trong đầu tư liên quan đến cơ chế, chính sách. Dự án được triển khai bởi CTCP Xi măng miền Trung (CRC - thành lập năm 2006, vốn điều lệ 129,6 tỷ đồng), với công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm.

Khi bắt tay làm Dự án, chủ đầu tư đã tính toán khá kỹ, bởi thị trường xi măng miền Trung khi đó mới chiếm tỷ trọng 17% tổng sản lượng tiêu thụ xi măng của cả nước (miền Bắc gần 50%, miền Nam 33%). Ngoài ra, vị trí nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi cũng là lựa chọn hợp lý khi nơi đây có cảng nhập clinker sát biển và có tiềm năng mở rộng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Khu vực có hạ tầng tiện tích đồng bộ, gần sân bay, cảng biển nước sâu và nằm trên trục giao thông chính.

Tiềm năng và lợi thế này đã lập tức thu hút sự quan tâm của “ông lớn” ngành xi măng khi đó là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Với chiến lược mở rộng thị phần vào miền Trung, đồng thời nâng cao năng lực chi phối trong lĩnh vực sản xuất xi măng, thông qua công ty con là CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC), VICEM đã mua lại 9.953.280 cổ phần của CRC (tương ứng 76,8% vốn điều lệ) với giá 11.560 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 115 tỷ đồng để chi phối và triển khai Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất.

Sự chậm trễ trong phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 khiến các dự án trong vùng quy hoạch gặp khó khăn. Riêng Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất, theo tính toán, nếu không bị dừng hoạt động, sẽ chạy đủ công suất (500.000 tấn/năm), doanh thu dự kiến đạt hơn 560 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 49 tỷ đồng/năm.

Ngoài lợi thế sẵn có về thị phần, thương hiệu, kinh nghiệm…, CTCP Xi măng Bỉm Sơn cũng tính toán khi mua lại sẽ giải quyết lượng clinker còn dư đưa vào nhà máy đề nghiền xi măng hiệu quả cao hơn; đồng thời giai đoạn II sẽ nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm nhằm khai thác lợi thế vị trí địa lý, mở rộng thị phần miền Nam Trung bộ.

Sau khi CTCP Xi măng Bỉm Sơn tiếp quản và vận hành nhà máy, đưa cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại vào (từ tháng 6/2013 đến tháng 4/2015), CRC đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra. Năm 2014, sản lượng tiêu thụ đạt gần 290.000 tấn/500.000 tấn (đạt khoảng 58% công suất thiết kế), Công ty đã có lãi 1,308 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mọi tính toán và phương án kinh doanh hiệu quả bị chệch hướng. Từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2021, Nhà máy phải tạm dừng hoạt động khi người dân địa phương vùng lân cận dự án phản đối. Nguyên nhân chính xuất phát từ vướng mắc bởi vấn đề quy hoạch, di dời các hộ dân. Khi triển khai quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã có kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất do Công ty Sembcorp Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư. Song, kế hoạch này phải gác lại để chờ Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Đáng nói là, năm 2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận (Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 31/1/2018 và Văn bản số 5579/VPCP-V.I ngày 13/6/2018) yêu cầu UBND tỉnh Quãng Ngãi công bố lộ trình, kế hoạch, phương án di dời dân; tuyên truyền, vận động các hộ dân không cản trở để Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất vận hành chạy thử, quan trắc môi trường, xác nhận hoàn thành công trình, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Ngày 1/4/2021, tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn của Dự án với Bộ Xây dựng, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Nhà máy Xi măng Đại Việt dừng hoạt động trong nhiều năm qua là những gì mà lịch sử đã để lại cho Quảng Ngãi. Do lịch sử để lại, nên chỉ có thể giải quyết sao cho phù hợp, hài hòa giữa các bên, không thể nào giải quyết một cách triệt để được, mà cần thực hiện có lộ trình, từng bước để sớm tháo gỡ khó khăn. Tôi xin chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đã đối mặt trong thời gian qua”.

Ông Minh cũng khẳng định, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, nơi đây là khu công nghiệp, khu sản xuất, nên phải thực hiện di dời dân. Việc di dời dân nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của địa phương (?!)

Tuy nhiên, sau lời hứa đó, Dự án vẫn “treo” đến tận bây giờ…

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tháo gỡ

Sau 7 năm “truân chuyên”, số phận của dự án trên cũng gần đến hồi kết. Ngày 6/3/2022, CTCP Xi măng Bỉm Sơn đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến của VICEM về 2 phương án xử lý: giữ lại CRC theo chiến lược của VICEM, hoặc bán toàn bộ vốn của CTCP Xi măng Bỉm Sơn tại CRC.

CTCP Xi măng Bỉm Sơn cho biết đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và được UBND tỉnh cung cấp thông tin rằng, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 168/QĐ-TTg ngày 28/2/2023. Theo quy hoạch, Nhà máy nằm trong khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, nên dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất làm việc với VICEM và CTCP Xi măng Bỉm Sơn trong thời gian từ ngày 10 đến 15/3/2023 về việc tháo gỡ vướng mắc, đưa Nhà máy hoạt động trở lại.

Với phương án thoái/bán vốn, theo CTCP Xi măng Bỉm Sơn, thời gian qua, có khá nhiều đối tác quan tâm.

Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Thiên Phú đã được cung cấp hồ sơ cần thiết. Ngày 25/2, hai bên tiếp tục làm việc và Công ty Thiên Phú mong muốn mua lại Nhà máy.

Đối tác khác là CTCP Xi măng Đức Sơn cũng mong muốn mua lại toàn bộ cổ phần và đề nghị CTCP Xi măng Bỉm Sơn cung cấp một số thông tin về dây chuyền sản xuất, báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý, công nợ đối với khách hàng để nghiên cứu. Về công nợ của CTCP Xi măng Bỉm Sơn và CRC, sau khi hoàn tất mua, hai bên sẽ rà soát đối chiếu để trả đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, mức giá mà CTCP Xi măng Bỉm Sơn từng mua lại (11.560 đồng/cổ phần) vào năm 2013 khá hấp dẫn. Thương vụ này được CTCP Xi măng Bỉm Sơn thuê 4 đơn vị uy tín, gồm Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển xi măng (CCID), Công ty Chứng khoán Bản Việt, CTCP Đầu tư và Thẩm định giá dầu khí và Công ty Kiểm toán Ernt & Young Việt Nam.

Cụ thể, CTCP Đầu tư và Thẩm định giá dầu khí dùng phương pháp so sánh, định giá Công ty khoảng 370 tỷ đồng. Còn CTCP Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn thoái vốn) dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để tính toán cho ra giá bình quân 1 cổ phần của CTCP Xi măng miền Trung là 18.127 đồng, với giá trị doanh nghiệp hơn 377,2 tỷ đồng và giá trị vốn chủ sở hữu 234,9 tỷ đồng. Sau đó, CTCP Xi măng Bỉm Sơn “chốt” mua 76,8% vốn CRC với giá 11.560 đồng/cổ phần (thấp hơn 36% so với định giá).

Với mức giá hấp dẫn, tiềm năng và vướng mắc quy hoạch được tháo gỡ, thương vụ thoái vốn của VICEM tại dự án trên chắc chắn sẽ có sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác