Thời sự
Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong thời điểm khó khăn
Như Trung - 13/04/2023 15:56
Đó là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 13/4 về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Hội nghị này được tổ chức tiếp nối nhiều hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì thời gian qua nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, khẳng định Chính phủ, chính quyền địa phương luôn lắng nghe, đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp theo tinh thần chia sẻ, thẳng thắn, trách nhiệm, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc)

Ngành nông nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn

Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam vào vị trí top 3 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản luôn đứng trong top 10 xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu bình quân trên 11 tỷ USD/năm.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đặt ra; ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, như Mỹ, EU, Nhật Bản…; các nhà nhập khẩu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng…; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực lâm sản và thủy sản, về rừng và biển của đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Theo Thủ tướng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân (Ảnh: Nhật Bắc)

Chuyển mạnh tư duy sang phát triển kinh tế nông nghiệp

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Cùng với đó, phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về các quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành lâm sản, thủy sản, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, vừa coi trọng xuất khẩu, vừa coi trọng thị trường trong nước.

Theo Thủ tướng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, chúng ta không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Đây là điều hiển nhiên và trong khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải bình tĩnh, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để có định hướng xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, quyết tâm, nỗ lực để xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội; càng trong khó khăn, lại càng phải đoàn kết, chung sức tháo gỡ để cùng phát triển.

Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tận dụng hiệu quả thị trường trong nước

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đẩy mạnh đàm phán, tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững.

Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.

Các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Các doanh nghiệp phải vươn lên tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ có mẫu mã độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.

Triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về "Giống", "Thức ăn NTTS" và "Hormone HCG" là mấu chốt để gia tăng tỉ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…

Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác