TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kỳ vọng vào cơ hội phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
"Rất cần cơ chế để doanh nghiệp tham gia cùng với Chính phủ thực hiện dự án lớn, công trình trọng điểm quốc gia là cần. Đó là con đường để doanh nghiệp lớn lên, tự chủ", ông chia sẻ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 2024.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) |
Thưa ông, chỉ trong vòng khoảng nửa tháng qua, thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc làm việc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, để thảo luận doanh nghiệp có thể tham gia thực hiện các dự án đường sắt tốc độ cao, các dự án lớn được hay không? Ông nghĩ thế nào, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tham gia được không?
Nếu vắng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong các dự án hàng chục tỷ USD thực sự không ổn. Thế giới có lẽ cùng vậy, đó là cơ hội phát triển, cơ hội học hỏi, lớn lên của doanh nghiệp, không thể để doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài.
Vấn đề cần phải bàn là cách làm, cơ chế hợp tác công - tư cũng như cơ hội thực sự của doanh nghiệp là gì. Vì sự phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của nhà nước - vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, yểm trợ thị trường.
Đặc biệt, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là công nghệ. Để có công nghệ thì phải có nghiên cứu và phát triển, phải đầu tư lớn, thời gian dài.
Ví dụ, dự án đường sắt cao tốc trong 1 giai đoạn sẽ tạo ra một ngành công nghiệp với hệ sinh thái liên quan đến đường sắt. Đó là cơ hội lớn lên của các doanh nghiệp ngành cơ chế, luyện kim, xây dựng hạ tầng giao thông... Vì có được cơ hội tham gia, các doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ, đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển để phát triển sản phẩm, phát triển thị trường... Năng lực của chính doanh nghiệp và cả ngành sẽ được cải thiện.
Nhưng doanh nghiệp không thể gánh hết toàn bộ công đoạn, nhất là phần công nghệ. Chính phủ có thể là người đầu tư mua bản quyền, công nghệ, cùng doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp Việt sẽ học và làm, từng bước lớn lên và dần đi tới tự chủ các mặt.
Lâu nay, khi nói về doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam lớn chậm, thậm chí khó lớn. Điều gì cản trở các doanh nghiệp lớn lên, thưa ông?
Điều gì thúc đẩy các doanh nghiệp lớn lên, tôi muốn đặt vấn đề như vậy. Theo tôi có 4 nhóm vấn đề.
Một là chất lượng, trình độ của doanh nhân. Rất cần tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nhân học tập, nâng cao trình độ, nhất là trình độ quản trị. Nhưng không phải Nhà nước mở trường, đi dạy mà là tạo cơ hội cho thị trường dịch vụ tư vấn kinh doanh. Tôi nhớ, những năm 2000-2005, phong trào doanh nhân học rất sôi nổi. Nhưng nhiều năm qua, dịch vụ này chưa phát triển đủ mạnh.
Hai là khả năng tích lũy của doanh nghiệp. Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tự tích lũy và đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Cần có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nằm công nghệ thì mới có những sản phẩm cạnh tranh.
Ba là, vươn được ra thị trường nước ngoài. Nền kinh tế định hướng khẩu của Việt Nam là một lợi thế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đưa thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, du lịch... Việt Nam ra nước ngoài. Các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch phải dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp của chúng ta vẫn khá cô đơn, lẻ loi khi đi ra thị trường thế giới.
Bốn là phải có đất với chi phí hợp lý cho sản xuất, kinh doanh. Giá đất quá cao thì doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có đất để phát triển sản xuất.
Có nghĩa là cần có chính sách để doanh nghiệp lớn lên?
Vừa rồi, tôi đã đi khảo sát một số doanh nghiệp, thấy rõ thực tế, để doanh nghiệp lớn lên, cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp lớn chứ không lựa chọn người thắng cuộc. Có nghĩa là tư duy về hỗ trợ sẽ phải thay đổi, không phải hỗ trợ ai, chọn người để hỗ trợ mà là đạt được mục tiêu, yêu cầu thì mới hỗ trợ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã âm thầm lớn lên, có thể gọi là đầu đàn, dẫn dắt. Các doanh nghiệp này chuyển đổi vì khách hàng, đối tác của họ yêu cầu.
Nhưng nếu cơ chế chính sách thúc đẩy tốc độ, hiệu quả các hoạt động này, gắn cơ hội của doanh nghiệp với các dự án, công trình, mục tiêu lớn của đất nước, thì đó chính là vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.