Bố trí vốn vượt nhu cầu 1.586 tỷ đồng
Ngoài đơn vị liên quan trực tiếp là Ban Quản lý Dự án hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), có tới 5 cơ quan khác, trong đó có Cục Quản lý xây dựng chất lượng và công trình giao thông, Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính… vừa bị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan tới những sai sót vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn tại Dự án Luồng sông Hậu.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam với vai trò chủ đầu tư bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật còn có nội dung chưa tuân thủ thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công chưa đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán vượt 5% thuế giá trị gia tăng; phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung; chưa có phương án so sánh để tiết kiệm chi phí đầu tư đối với công trình nạo vét luồng, thảm đá mặt ngoài và phía ngoài kè; điều chỉnh đơn giá trúng thầu ngoài hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Thi công đê chắn sóng Dự án Luồng sông Hậu. |
“Cục Hàng hải Việt Nam phải xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc đưa ra tiêu chí cát đắp đỉnh kè gói thầu 6A cao hơn tiêu chí của các gói thầu khác, nhưng chưa kịp thời điều chỉnh để tiết kiệm chi phí đầu từ 19,1 tỷ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo.
Với tư cách là đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án hàng hải được Bộ GTVT quy trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu chậm, chưa đăng tải kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định; chỉ định thầu khi chưa lập hồ sơ yêu cầu; không kiểm tra điều kiện khởi công công trình… Đây là những lỗi sai sót nghiêm trọng đối với đơn vị được cho là “cánh tay nối dài của chủ đầu tư”.
Trong số các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT phải kiểm điểm rút kinh nghiệm, Vụ Kế hoạch - Đầu tư được cho là đã “thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị bố trí vốn vượt kế hoạch cho Dự án luồng sông Hậu, dẫn đến vượt nhu cầu hơn 1.586 tỷ đồng”; Cục Quản lý xây dựng chất lượng và công trình giao thông có sai sót trong việc tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định thầu một số gói thầu chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.
“Các đơn vị khẩn trương triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 15/6/2017”, ông Nhật chỉ đạo.
Cần phải nói thêm rằng, trước đó, vào cuối tháng 3/2017, sau 3 tháng triển khai, Kiểm toán Nhà nước đã có Văn bản số 154/TB- KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Luồng sông Hậu.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án hàng hải xử lý tài chính 391,7 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 3,1 tỷ đồng; giảm thanh toán 177,5 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng 129,7 tỷ đồng; xử lý khác 81 tỷ đồng. So với các dự án có cùng quy mô, khối lượng tài chính cần phải xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thuộc loại lớn đã cho thấy những sai sót khá lớn tại công trình trọng điểm quốc gia này.
Hầu hết gói thầu xây lắp chậm tiến độ
Dự án Luồng sông Hậu được xây dựng trên 5 xã thuộc huyện Duyên Hải và 3 xã thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, có tổng mức đầu tư khoảng 9.781 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Công trình được khởi công từ năm 2009, thông luồng kỹ thuật vào tháng 1/2016.
Do quy mô vốn lớn, phức tạp về địa chất, thủy văn, nên dự án này khá truân chuyên trong quá trình triển khai xây dựng. “Dự án Luồng sông Hậu được triển khai thi công từ năm 2009, tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Dự án đã phải đình hoãn từ tháng 1/2013. Đầu năm 2014, Dự án đã được Quốc hội thông qua và tái khởi động”, ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án hàng hải cho biết.
Tuy nhiên, những nguyên nhân khách quan này là không đủ để khỏa lấp những sai sót, hạn chế của chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án.
Theo đó, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra một số sai sót của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án luồng hàng hải lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long này.
Cụ thể, quyết định phê duyệt dự án chưa đầy đủ nội dung, chưa lường hết được mục tiêu, quy mô, các hạng mục cần thiết phải đầu tư, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Thậm chí, sau khi dự án được điều chỉnh vẫn còn có những hạng mục phát sinh và phải tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung.
Điều đáng nói là, khi bổ sung, điều chỉnh Dự án, chủ đầu tư không thực hiện phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định, mà cho phép Ban Quản lý Dự án hàng hải ký phụ lục phát sinh hạng mục vào một số gói thầu đang thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cho phép nhà thầu chấm dứt hợp đồng gói thầu số 4A, 4C khi chưa rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý bảo đảm thực hiện hợp đồng. Hầu hết các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ so với cam kết, phải gia hạn nhiều lần, nhưng các bên tham gia hợp đồng chưa đánh giá, xác định nguyên nhân để xem xét xử lý trách nhiệm.
“Tại Dự án này, chủ đầu tư không đăng ký kế hoạch vốn năm 2012 và năm 2013 theo chỉ đạo; thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị bố trí kế hoạch vốn năm 2016, dẫn đến bố trí vượt nhu cầu và nhiệm vụ chi số tiền 1.586 tỷ đồng, gây lãng phí vốn”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.