Điểm nóng
Nhiều “sạn” tại Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp
Anh Minh - 31/07/2022 18:01
Không phải là công trình phức tạp về kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn để xảy ra những sai sót không đáng có.
Tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp mới được nâng cấp mặt đường. Ảnh: A.M

Tư vấn quan liêu

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Chánh thanh tra Bộ Tài chính vừa ký ban hành Kết luận số 778/TTr-BTC về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp do Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Đây là công trình được đầu tư từ nguồn vốn 15.000 tỷ đồng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ- UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với quy mô tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt là 900 tỷ đồng.

Vào thời điểm thanh tra (29/3/2022), Dự án đã nghiệm thu hoàn thành (tháng 9/2021), bàn giao đưa vào khai thác (tháng 1/2022), đã được quyết toán A- B, đang thực hiện kiểm toán độc lập dự án hoàn thành và lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

Tại Kết luận số 778, Thanh tra Bộ Tài chính không ghi nhận được những vi phạm lớn trong quá trình đấu thầu, điều chỉnh tổng mức đầu tư, quản lý tài chính - kế toán tại Dự án. Mặc dù vậy, đoàn Thanh tra vẫn chỉ ra một số sai sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình.

Cụ thể, sai sót đầu tiên liên quan đến việc lập, trình duyệt tổng mức đầu tư công trình. Theo đó, đơn vi tư vấn lập dự án và Ban Quản lý dự án 7 lập, trình phê duyệt khối lượng trồng cỏ mái taluy chưa phù hợp, làm tăng tổng mức đầu tư số tiền 23,175 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra cho biết, theo Điểm 7.8.7 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054: 2005 Đường ô tô- Yêu cầu thiết kế quy định: “Mặt mái dốc nền đắp phải được gia cố bằng các biện pháp thích hợp với điều kiện thủy văn và khí hậu tại chỗ để chống xói lở do tác động của mưa, của dòng chảy, của sóng và của sự thay đổi mức nước ngập”.

Thực tế, tuyến đường của Dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau  - khu vực có điều kiện thủy văn và khí hậu thích hợp cho việc phát triển các loại cỏ tự nhiên. Trong quá trình thiết kế, thực hiện Dự án giai đoạn I không thực hiện trồng cỏ mái taluy, đến giai đoạn II (cải tạo, nâng cấp mặt đường) dự toán thiết kế kỹ thuật thi công không tính chi phí trồng cỏ, nhưng lại tính chi phí phát quang toàn bộ taluy tuyến để thi công.

“Về mặt kỹ thuật, Dự án thiết kế đắp mái taluy có độ dốc và chiều cao đắp thấp, nên việc tính khối lượng trồng cỏ là không cần thiết và không phù hợp với điều kiện khí hậu khu vực tuyến đường đi qua”, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó chánh tra Bộ Tài chính đánh giá.

Loạc choạc kế hoạch vốn

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, cuối tháng 8/2020, Ban Quản lý dự án 7 đăng ký kế hoạch vốn năm 2021 cho Dự án 259,757 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã quyết định giao kế hoạch vốn năm 2021 cho Dự án với số tiền 259,757 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, tại thời điểm tháng 8/2020, tổng giá trị hợp đồng (đã bao gồm dự phòng) của các gói thầu thuộc Dự án chỉ còn 857,478 tỷ đồng, giảm 42,522 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư, dẫn tới việc vốn bố trí bị dư ra hơn 40 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2021, Ban Quản lý dự án 7 mới có Văn bản số 2507/BQLDA7- KHTH gửi Bộ GTVT xin điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 cho Dự án Cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Theo đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2021 từ 259,757 tỷ đồng, xuống còn 219.757 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng. Trên thực tế, trong năm 2022, Bộ GTVT đã giao kế hoạch vốn cho Dự án 259,757 tỷ đồng, nhưng Ban Quản lý dự án 7 cũng chỉ giải ngân thanh toán được 200,505 tỷ đồng, dẫn đến dư kế hoạch vốn 59.252 triệu đồng không sử dụng do Dự án đã hoàn thành không có khối lượng.

Thanh tra Bộ Tài chính còn cho biết, trong quá trình thi công, các gói thầu xây lắp XL.01, XL.02, XL.06 phải gia hạn thực hiện hợp đồng, nhưng Ban Quản lý dự án 7 chưa xác định trách nhiệm của các bên có liên quan làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành Dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

“Ban Quản lý dự án 7 phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với việc lập, trình duyệt tổng mức đầu tư, dự toán giá gói thầu, dự toán xây dựng bổ sung, nghiệm thu thanh quyết toán chưa đúng khối lượng, đơn giá; làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, xác định trách nhiệm của các bên có liên quan làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật”, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu.

Tin liên quan
Tin khác