Đó là trường hợp của bệnh nhân T. V. B, 45 tuổi, sống tại Hà Nội. Bệnh nhân cho biết đã từng phát hiện sỏi túi mật nhiều năm. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng thượng vị và hạ sườn phải.
Ê kíp bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật nội soi tại chuyên khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC |
Khi thăm khám, bác sĩ ấn đau hạ sườn phải và thượng vị. Đồng thời, anh B., được chỉ định làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Sau đó, anh B., được chỉ định làm siêu âm ổ bụng, phát hiện cổ túi mật có viên sỏi khá lớn kẹt ở cổ, xung quanh túi mật có hình ảnh thâm nhiễm mỡ thể hiện sự viêm. Vì vậy, bệnh nhân được khuyến nghị chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner) bụng đánh giá thêm.
Trên hình ảnh chụp CT khá tương đồng với hình ảnh siêu âm, có hình ảnh túi mật căng to, thành dày không đều, xung quanh có thâm nhiễm mỡ, có dịch giường túi mật túi mật trên CT đo được 3.6*8cm, đặc biệt trên CT đo được cả tỷ trọng của sỏi ở cổ túi mật và độ cứng của sỏi.
Ngay sau đó, các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa ngoại của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hội chẩn, giải thích cho gia đình bệnh nhân sự cần thiết phải phẫu thuật cấp cứu cắt túi mật để tránh biến chứng và hậu quả để lại.
Ths. Đặng Văn Quân, chuyên khoa ngoại chia sẻ, đây là một ca bệnh rất nặng, túi mật đã có dấu hiệu hoại tử. Trước cuộc phẫu thuật đã tiên lượng được trước các nguy cơ kể cả phải mổ mở.
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật nội soi cắt túi mật, chúng tôi gặp không ít khó khăn, đó là túi mật viêm căng to, hoại tử, mất ranh giới giải phẫu, chảy máu nhiều nên phẫu tích bóc tách khó khăn.
Vì vậy, để phẫu thuật thành công ca bệnh, đòi hỏi bác sĩ cần có kinh nghiệm phẫu tích nội soi, phải thuộc giải phẫu đường mật, tỉ mỉ, sự xác định chuẩn xác cũng như cần thực hiện nhanh chóng.
Rất may mắn cho bệnh nhân đã qua “cửa tử”, bởi viêm túi mật hoại tử là biến chứng nặng nề nhất của sỏi túi mật. Túi mật hoại tử nếu không được xử lý sớm bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhiễm độc, dẫn đến sốc và tử vong.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, 3 ngày điều trị bệnh nhân khỏe mạnh trở lại và hết đau bụng thượng vị, đây cũng là một ưu điểm vượt trội của phẫu thuật nội soi so với phẫu thuật mở.
Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay. Khi đã mắc, theo khuyến cáo của chuyên gia người bệnh phải chung sống với bệnh cả đời và cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Cụ thể, người bệnh cần giảm chế độ ăn nhiều chất béo, cũng như giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và sỏi túi mật chậm phát triển, không để tăng cân. Duy trì ăn ba bữa cân bằng mỗi ngày.
Thường xuyên tập luyện thể thao (đi bộ) thời gian tối thiểu 30 phút đa số ngày trong tuần. Định kỳ theo dõi sỏi túi mật bằng siêu âm, hoặc chụp CT khi có chỉ định của bác sĩ.
Khi mắc bệnh sỏi túi mật đa số bệnh nhân không có triệu chứng và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng, hoặc bệnh nhân đến trong trường hợp đã có biến chứng.
Đặc biệt, với người có tiền sử mắc sỏi mật khi xuất hiện các các cơn đau ở giữa hoặc bên phải phần trên ổ bụng, ngay dưới đường xương sườn, hoặc đau lan theo hướng sau lưng hoặc cánh phải, buồn nôn, nôn... thì nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh phát hiện muộn có thể để lại hậu quả khôn lường.