TS. Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết, nghiên cứu ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị cấm vận, kinh tế khó khăn, không thể tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các tác giả đã nghiên cứu toàn diện và sâu sắc, xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới.
Với nỗ lực vượt bậc, TS. Từ Thành Nghĩa và 29 cộng sự đã khiến công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thiết kế hệ thống công nghệ do Liên Xô xây dựng ban đầu theo mô hình mỏ ở biển Caspi, nước Cộng hòa Azerbaijian (Đề án 16716 của Liên Xô cũ).
Nhiều công trình nghiên cứu của Vietsovpetro đã đóng góp quan trọng cho ngành dầu khí Việt Nam và thế giới |
Trước đó, công nghệ của Liên Xô chỉ dùng để thu gom, xử lý và vận chuyển dầu không có hoặc ít parafin, gồm các giàn cố định (MSP), hệ thống đường ống kết nối không bọc cách nhiệt và không có hệ thống phóng thoi làm sạch đường ống. Công nghệ này đã không thể đảm bảo vận chuyển dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ và Rồng bằng đường ống, bởi dầu ở các mỏ này nhiều parafin (đến 27% KL), nhiệt độ đông đặc cao, gây nguy cơ tắc nghẽn đường ống do lắng đọng parafin. Do đó, thành công của công trình nghiên cứu được thực hiện bởi chính người lao động Vietsovpetro là cơ sở để vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ, Rồng và là tiền đề để đưa các mỏ khác ở bể Cửu Long vào khai thác. Điểm mới của công trình là đưa ra được giải pháp sử dụng hóa phẩm dùng trong dung dịch khoan sử dụng ở Vietsovpetro để xử lý dầu và vận chuyển thành công bằng đường ống không bọc cách nhiệt từ giàn cố định đến tàu chứa xuất dầu. Bên cạnh đó, hình thành công nghệ vận chuyển dầu và khí bằng đường ống ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc của dầu, đã làm thay đổi căn bản công nghệ truyền thống vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ở điều kiện ngoài khơi.
TS. Từ Thành Nghĩa cho hay, hiệu quả kinh tế trực tiếp do công trình mang lại đến hết năm 2014 là 780 triệu USD. Bên cạnh đó, góp phần giảm chi phí xây dựng và vận hành khai thác các mỏ nói chung, đưa các khu vực mới của Bạch Hổ, Rồng và các mỏ mới, nhất là các mỏ nhỏ, cận biên ở bể Cửu Long vào khai thác sớm hơn từ 2 - 3 năm với chi phí đầu tư ít hơn.
Đáng nói là kết quả nghiên cứu của công trình sẽ tiếp tục được lan tỏa và áp dụng trong tương lai, đặc biệt là phương án kết nối cơ sở hạ tầng khai thác hiện có với các mỏ nhỏ và mỏ cận biên, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, góp phần tăng lợi nhuận và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
“Trong điều kiện đất nước bị cấm vận, công trình đã góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Việt Nam với việc đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác năm 1986, mang lại nguồn thu đáng kể, tạo ra sản phẩm mới cho đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dầu. Nguồn thu ngoại tệ kịp thời của Vietsovpetro đã giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội”, TS. Từ Thành Nghĩa khẳng định.
Đến hết năm 2015, Vietsovpetro đã đạt mức doanh thu từ dầu thô hơn 74 tỷ USD, nộp vào ngân sách Nhà nước trên 46 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Hơn 35 năm qua, Vietsovpetro đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho khoa học dầu khí Dầu khí Việt Nam và thế giới. Đơn cử công trình Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011.
Theo ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, những thành công của Vietsovpetro trong hoạt động khoa học, kỹ thuật là nhờ mô hình tổ chức nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ của Vietsovpetro với hạt nhân là Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế Dầu khí biển (Viện NIPI) kết hợp với các phòng ban chức năng của bộ máy điều hành và các đơn vị sản xuất.
Mô hình này đã tạo ra hiệu quả to lớn cho hoạt động của Vietsovpetro, giúp nâng cao năng suất lao động trong tất cả các khâu hoạt động của đơn vị.