Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bao gồm 16 điều và 2 mẫu biểu. Quyết định quy định rõ về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn, thời hạn và lãi suất cho vay...
“Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Thực hiện nội dung này cũng chính là góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực thi hành (từ ngày 10/10), đến ngày 12/10, đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương, có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 138 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Để triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg thống nhất, nhất quán, hiệu quả hơn nữa, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quyết định tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Quyết định có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào cuộc sống.
Đồng thời, tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ. “Muốn triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg thì phải có nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tính toán thêm vấn đề này, nhưng các địa phương cũng phải có trách nhiệm, ủng hộ, hỗ trợ để chăm lo cho người yếu thế và những người lầm lỡ”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất - kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thường xuyên, tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương cần có nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. UBND các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành xong án phạt tù, cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay.
“Các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất - kinh doanh để họ chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay, tạo cơ sở vật chất, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Nội dung, hình thức tuyên tuyền cần phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này, tăng cường lan tỏa thông điệp tích cực, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.