Bên ngoài một cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Richard Brooks/AFP |
Quy mô sáp nhập tới 100.000 cửa hàng tiện lợi
Nếu thành công, thương vụ sẽ đánh dấu hoạt động mua lại một công ty Nhật Bản có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tạo ra nhà điều hành bán lẻ hàng đầu thế giới với khoảng 100.000 cửa hàng tiện lợi.
Trước khi xuất hiện thông tin được đề nghị mua lại, Seven & i được định giá tương đương 31 tỷ USD. Cổ phiếu Seven & i đã tăng vọt 23% trong ngày giao dịch 19/8 sau đề xuất của Couche-Tard.
"Đế chế" bán lẻ Nhật Bản cho biết giá đề xuất là mức sơ bộ và không ràng buộc, đồng thời không tiết lộ các điều khoản thỏa thuận. Một ủy ban đặc biệt gồm các giám đốc bên ngoài độc lập sẽ tiến hành "đánh giá nhanh chóng, cẩn thận và toàn diện về đề xuất", Seven & i thông báo ngày 19/8.
Couche-Tard có quy mô nhỏ hơn với khoảng 14.000 cửa hàng, trong khi Seven & i phủ sóng 85.000 cửa hàng tiện lợi, trạm xăng và cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Việc nước ngoài thâu tóm các công ty Nhật Bản là điều cực kỳ hiếm, nhưng những thay đổi gần đây trong chủ trương sáp nhập và mua lại khiến các nhà đầu tư tích cực thúc đẩy các giao dịch M&A, bao gồm cả Seven & i.
Seven & i chịu áp lực từ quỹ đầu tư ValueAct Capital Management LP (gọi tắt là ValueAct) với nhận định rằng tài sản của Seven & i có giá trị cao hơn mức tập đoàn này đang có.
Nhà bán lẻ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tái cấu trúc và khởi xướng việc mua lại sau khi chống lại các nỗ lực nhằm lật đổ giám đốc điều hành Ryuichi Isaka. ValueAct Capital Management LP được coi là "activist investor", một khái niệm ám chỉ nhà đầu tư mua một lượng lớn cổ phần thiểu số tại công ty đại chúng nhằm thay đổi cách thức điều hành công ty đó.
ValueAct đã hối thúc Seven & i thu hẹp trọng tâm kinh doanh vào các cửa hàng 7-Eleven. Quỹ này lưu ý rằng với tư cách là một công ty niêm yết độc lập, hoạt động kinh doanh cửa hàng tiện lợi 7-Eleven có thể đưa giá cổ phiếu lên mức 8.500 yên. Cổ phiếu Seven & i đóng cửa ở mức 2.161 yên/cổ phiếu vào ngày 19/8.
Mặc dù có trụ sở chính tại Tokyo, Seven & i lại có phần lớn doanh thu từ nước ngoài. Trong năm tài chính trước, 74% doanh số của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản đến từ thị trường Bắc Mỹ, còn 25% từ Nhật Bản.
Ngoài nổi tiếng với 7-Eleven, Seven & i cũng vận hành kinh doanh các nhà hàng Nhật Bản của Denny's Corp, chuỗi siêu thị Ito-Yokado và một ngân hàng riêng.
Còn Couche-Tard, nhà bán lẻ lớn nhất Canada với giá trị lên tới 58,5 tỷ USD, đang điều hành các cửa hàng tiện lợi trên toàn thế giới dưới thương hiệu riêng của mình, cũng như Circle K và Ingo.
Couche-Tard có lịch sử mở rộng hoạt động ra nước ngoài và đã mua gần 2.200 trạm xăng ở châu Âu từ TotalEnergies SE với giá 3,1 tỷ EUR vào năm ngoái. Trước đó, nhà bán lẻ Canada đã đưa ra đề nghị mua tập đoàn bán Carrefour SA trị giá 20 tỷ USD, nhưng ý tưởng này đã bị chính phủ Pháp ngăn lại.
Bất kỳ sự sáp nhập nào của hai nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn nhất ở Bắc Mỹ, đều có thể bị các cơ quan quản lý cạnh tranh Mỹ đưa vào diện soi xét. Seven & i đang điều hành hơn 13.000 cửa hàng tại Mỹ và Canada, bao gồm các cửa hàng Speedway mà công ty đã mua lại trong những năm gần đây, trong khi Couche-Tard có gần 9.000 cửa hàng.
Khó từ chối nếu giá đề nghị hấp dẫn
"Tất cả phụ thuộc vào giá cả, và tôi đoán đồng yên yếu đã khiến nó hấp dẫn hơn và bất kỳ mức giá nào trên 7 nghìn tỷ yên, ban quản trị (Seven & i - BTV) sẽ khó từ chối", ông Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại công ty tư vấn đầu tư Asymmetric Advisors (Singapore), nhận xét. "Nhưng khi hiểu về ban quản trị Seven & i, có thể cá rằng họ sẽ phản đối điều này nếu giá đề xuất thấp", ông Anvarzadeh nói thêm.
Trong khi đó, bảng cân đối kế toán của Couche-Tard có thể không đủ mạnh để đáp ứng một yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt mạnh mẽ, ông Mio Kato, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu tài chính LightStream Research, lưu ý.
"Tôi không nghĩ Seven & i muốn bán và nếu không có lời đề nghị bằng tiền mặt hấp dẫn, tôi nghĩ khả năng xảy ra điều gì đó là khá mong manh", ông Kato nói.
Mặc dù có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng khái niệm cửa hàng tiện lợi lại chính là nhân tố giúp Seven & i kinh doanh khởi sắc. Nhà bán lẻ Nhật Bản đã tiếp quản hoàn toàn chuỗi cửa hàng này vào năm 2005 tại Mỹ. Và những năm qua, 7-Eleven đã phát triển thành một thương hiệu nhượng quyền, chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống và hàng hóa hàng ngày với giá cả phải chăng, cũng như các dịch vụ giao hàng.
Giám đốc điều hành Seven & i, ông Ryuichi Isaka, đã chi hơn 25 tỷ USD để mở rộng mạng lưới toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Mỹ - nơi mà nhà bán lẻ Nhật Bản bổ sung thêm mạng lưới trạm xăng Speedway và Sunoco.
Theo đại diện Seven & i, công thức đằng sau thành công của 7-Eleven (phiên bản Nhật Bản) có thể được xuất khẩu trên toàn cầu, có khả năng thông qua các vụ mua lại. "Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ chủ động xem xét M&A", ông Isaka cho biết.