Tìm lối đi riêng
Với kinh nghiệm làm giám đốc kỹ thuật của Harvest Việt Nam, Pyramid Consulting Việt Nam, 2 đơn vị chuyên về gia công phần mềm, khi xây dựng chiến lược cho iNet Solutions, Chủ tịch Nguyễn Văn Hiền đã xác định, muốn tồn tại lâu dài, Công ty phải chọn được một lối đi riêng.
“Nếu dùng dịch vụ của các công ty phần mềm như Microsoft, IBM… để cung cấp dịch vụ, thì đến một ngày nào đó, khi họ nâng phí bản quyền, Công ty sẽ không còn lợi nhuận”, ông Hiền nói.
Xác định hội nhập chính là cơ hội, ông Hiền luôn vững tin vào tương lai của iNet Solutions |
Thành lập năm 2006 với 8 nhân sự, iNet Solutions ngay từ đầu đã định vị theo hướng xây dựng nền tảng bằng mã nguồn mở để phát triển lâu dài. Theo đó, việc xây dựng nền tảng có thể hiểu nôm na là quy hoạch các phần mềm trong một doanh nghiệp, giống như quy hoạch đất đai trong xây dựng. Việc quy hoạch đúng sẽ giúp doanh nghiệp có thể bổ sung hoặc loại bỏ các phần mềm khi cần, mà không tốn nhiều thời gian, chi phí hoặc làm gián đoạn việc kinh doanh. Quan trọng hơn, khi đã được quy hoạch tốt, hệ thống phần mềm của doanh nghiệp có thể dùng đến 30 năm.
Nhưng đấy là bài toán của ông Hiền và iNet Solutions. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó không nghĩ thế. Họ không chú trọng đầu tư phần mềm, nếu có thì chỉ quan tâm đến giá cả, càng rẻ càng tốt. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp chưa có bộ chuẩn cho quy trình hoạt động, nên phần mềm bán ra luôn phải gia công theo yêu cầu riêng. Giá bán phần mềm thì không thể cao, trong khi chi phí gia công lại đắt đỏ, càng làm càng lỗ.
“Trong khi đó, khối cơ quan nhà nước luôn quy hoạch trước các phần mềm cần ứng dụng nên phù hợp với định hướng của iNet Solutions hơn”, ông Hiền giải thích và cho biết, hiện Công ty cung cấp cho các cơ quan nhà nước 9 sản phẩm hỗ trợ cho Chính phủ điện tử. Từ năm 2013, doanh thu của Công ty ổn định ở mức 10 tỷ đồng/năm.
Đường không bằng phẳng
Lúc thành lập, iNet Solutions từng đi theo hướng lấy ngắn nuôi dài của các doanh nghiệp phần mềm thời bấy giờ, đó là nhận các hợp đồng gia công và dùng tiền đó để nuôi quân. Với mối quan hệ và uy tín trong ngành của ông Hiền và các cộng sự, ngay từ tháng đầu tiên, Công ty đã có vài hợp đồng.
Nhưng, ông Hiền kể, nếu cứ gia công, sớm muộn cũng khiến iNet Solutions từ bỏ định hướng ban đầu, nên ông quyết định chấm dứt để chú tâm vào xây dựng phần mềm dựa trên mã nguồn mở. 2 năm sau đó, Công ty liên tục không có doanh thu hoặc có cũng không đủ chi. Hợp đồng lớn nhất mà iNet Soluitons có được là dịch vụ cung cấp hệ điều hành mã nguồn mở cho một đơn vị ở tỉnh Bình Định, trị giá khoảng 70 triệu đồng.
Tình thế thay đổi khi vào năm 2010, Chính phủ bắt đầu thúc đẩy sử dụng phần mềm nguồn mở ở các cơ quan nhà nước, đã tạo ra cơn sốt thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia mảng này. Đỉnh điểm là năm 2012, có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia đấu thầu trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lúc bấy giờ vẫn là giá rẻ, chi phí thấp, nên định hướng nền tảng của iNet Solutions quá xa rời xu hướng chung. Công ty lại tiếp tục không có doanh thu. Tại thời điểm này, nhiều thành viên trong Công ty bỏ việc. Từ 45 người, iNet Solutions chỉ còn 7 người tâm huyết với định hướng ban đầu. Ông Hiền tiến hành cổ phần hóa Công ty và chia cổ phần dựa trên mức lương của những người ở lại.
Về phần mình, ông Hiền đi làm thêm bên ngoài, bán tài sản cá nhân để duy trì Công ty và quan trọng là giữ chân được khách hàng cũ và tìm khách hàng mới. Chìa khóa duy nhất là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm của iNet Solutions không đi theo hướng cung cấp nhiều tính năng, mà đơn giản hóa và dễ sử dụng cho từng cấp độ, từng hoàn cảnh.
Quan điểm của ông là lãnh đạo doanh nghiệp là người định ra chiến lược. Họ sẽ không phải đi học tin học để sử dụng phần mềm, mà phần mềm phải là công cụ hỗ trợ họ ra chiến lược nhanh, dễ và tiện lợi hơn. Và nhiều khách hàng mới đã đến với iNet Solutions chính vì cách tiếp cận này.
Cũng phải thừa nhận, không dễ làm ăn với các đơn vị sự nghiệp hay cơ quan nhà nước. Một trong những cái khó là họ thường giải ngân vào thời điểm cuối năm, nghĩa là doanh nghiệp phải tự bỏ vốn làm và lên chiến lược từ đầu năm. Đó là chưa kể khả năng bị “rớt đài” rất cao vì biến động của chính sách như việc cắt giảm chi cho đầu tư công nghệ từ nguồn ngân sách chẳng hạn.
Để giảm rủi ro, iNet Solutions chỉ nhắm vào những địa phương coi trọng năng lực của nhà cung cấp và chỉ chào hàng các tính năng mà họ thực sự cần. Các hợp đồng giá trị lớn bắt đầu đổ về. Từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng và ổn định ở mức 10 tỷ đồng trong hai năm qua.
Ông Hiền nói, 10 tỷ đồng không phải là con số quá lớn, nhưng chính sách thắt chặt chi tiêu cho đầu tư công nghệ ở cơ quan nhà nước từ cách đây 4 năm của Chính phủ cho thấy, định hướng Công ty theo đuổi bấy lâu nay là có hiệu quả.
Hội nhập là cơ hội
9 năm chưa đóng cửa, nhưng vẫn chưa có gì nổi bật là câu hỏi người viết đặt ra với ông Hiền khi bàn về tương lai của iNet Solutions. Ông cười và nói: “Hội nhập chính là cơ hội của iNet Solutions. Trước mắt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào đầu năm sau”.
Với kinh nghiệm làm việc đủ lâu ở Anh, Mỹ, ông Hiền đã chuẩn bị khá nhiều cho việc đưa iNet Solutions xuất ngoại. Một số thị trường khá tiềm năng mà Công ty đang nhắm đến là Singapore, Indonesia và đặc biệt là Myanmar. Công ty đang tìm đối tác cung cấp dịch vụ phần mềm ở các nước nói trên để mở rộng thị trường.
Giá thành sản phẩm là một trong những yếu tố cạnh tranh của iNet Solutions, nhưng theo ông Hiền, giải pháp của Công ty là không cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn như
Microsoft hay IBM, mà có thể tích hợp để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tất nhiên, cùng với đó là thách thức cạnh tranh, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức thông qua và có hiệu lực, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Ông Hiền xác định, trong môi trường hội nhập, để có khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đảm bảo 3 yếu tố: đầu tư phải bền vững, hệ thống phải linh hoạt và đảm bảo các vấn đề về bản quyền. Đầu tư cho công nghệ cũng sẽ không ngoại lệ. “Đây là những điều giúp iNet Solutions tồn tại trong thời gian qua và sẽ là hướng đi tiếp của Công ty trong thời gian tới”, ông Hiền vững tin.