PAN Group sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 26/4 tới.
Một số tờ trình cho Đại hội sắp tới bao gồm phương án trích lập quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2021; Tờ trình kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận năm 2022; bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027…
Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, PAN Group dự tính không chia cổ tức để dồn nguồn lực cho quá trình thực hiện M&A trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tập đoàn dự chi 2 tỷ đồng cho kinh phí hoạt động, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát và 4 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi người lao động, quỹ hoạt động xã hội.
Năm nay, PAN Group lên kế hoạch doanh thu thuần 14.300 tỷ đồng và lãi ròng 755 tỷ đồng; tương ứng tăng lần lượt gần 55% và 48% so với kết quả năm 2021.
Tập đoàn này cũng dự tính không chia cổ tức năm 2022 với lý do tương tự việc không chia cổ tức năm 2021.
Kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 của PAN Group. |
Lý giải về cơ sở đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh, ban lãnh đạo PAN Group cho rằng, mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất, kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch bệnh, giãn cách.
Nhu cầu lương thực thiết yếu được dự đoán sẽ tăng cao kéo theo hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, mảng thực phẩm bánh kẹo (Bibica) dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch.
Mảng xuất khẩu thủy sản (Sao Ta, Thuỷ sản Bến Tre) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật,.. khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế.
Dự kiến, HĐQT PAN Group nhiệm kỳ 2022- 2027 sẽ có thành viên mới là ông Trần Đình Long.
Ông Long sinh năm 1941, là Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam từ năm 2001 bên cạnh các chức vụ khác đang nắm giữ như Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, thành viên Hội đồng Quỹ gen quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ)…
Vị này có gần 40.000 cổ phiếu PAN, tương ứng 0,01% vốn điều lệ.
Cơ cấu lợi nhuận trước thuế theo lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của PAN Group trong năm 2021. |
Năm 2021, PAN Group ghi nhận doanh thu thuần tăng 20% và lãi ròng tăng 26% so với kết quả năm liền kề trước đó, lần lượt đạt hơn 9.200 tỷ đồng và 510 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của công ty tăng nhẹ lên 18,9% và biên lợi nhuận sau thuế tăng 1,5% lên 5,5% so với năm liền kề trước đó.
Kết quả này đã bao gồm lợi nhuận tài chính từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Khử trùng ViệtNam (HoSE: VFG ), sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 47,97% vốn lên 50,3% và hợp nhất báo cáo tài chính.
Lĩnh vực thực phẩm của PAN bao gồm 4 mảng với bánh kẹo (PAN Food, Bibica), thủy sản (Sao Ta, Xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre), hạt và hoa quả sấy (Lafooco), nước mắm (584 Nha Trang) mang về hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu trong năm ngoái (tăng 8% so với năm 2020).
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp đến từ PAN Farm (chủ yếu được đóng góp từ Vinaseed và một tháng doanh thu hợp nhất từ VFG) mang về 2.000 tỷ đồng doanh thu.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của PAN Group đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 3.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tổng nợ phải trả của Tập đoàn này ở mức 7.444 tỷ đồng, tương đương 49% tổng tài sản (gần 6.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn) và vốn chủ sở hữu đạt 7.580 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản.
Hiện, cá nhân ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group nắm 0,57% vốn điều lệ Tập đoàn này và nếu cộng với số lượng cổ phần những người liên quan đang nắm giữ sẽ là 23,76%.