Trong quý III/2023, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ cũng giảm 42%, đạt 14,9 tỷ đồng.
Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng sụt giảm mạnh: Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61% còn 1,6 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76% về mức hơn 7,1 tỷ đồng.
Trong khi thu nhập giảm thì chi phí hoạt động của ngân hàng tiếp tục tăng 8,7% lên 188 tỷ đồng. Chính vì vậy, dù dự phòng rủi ro giảm 26% so với cùng kỳ còn 57,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng vẫn giảm tới 60% so với cùng kỳ, còn 56,6 tỷ đồng.
Theo PG Bank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 16%. Việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quý 3 của ngành ngân hàng khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý 3 kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, L/C bị ảnh hưởng lớn.
Lũy kế 9 tháng, duy nhất thu nhập lãi thuần của PG Bank ghi nhận tăng trưởng (tăng 10% lên hơn 959 tỷ đồng). Tất cả lĩnh vực kinh doanh khác đều sụt giảm: Lãi thuần từ dịch vụ giảm 15,5%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm gần 8%, lãi thuần từ hoạt động khác giảm 72%.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 144 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ song vẫn không bù đắp được sự sụt giảm hoạt động kinh donah.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng là 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và thực hiện được 68% kế hoạch cả năm.
Hồi tháng 9, PG Bank đã công bố các báo cáo về 03 cổ đông lớn của ngân hàng là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát và Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức. Cả 3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua khoảng 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.
Ngày 23/10 tới đây, PG Bank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2023.
Tại đại hội, PG Bank sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đối với Hội đồng quản trị, PG Bank điều chỉnh giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 9 thành viên, xuống còn 6 thành viên. Trong đó, miễn nhiệm 5 thành viên gồm ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Nguyễn Mạnh Hải; ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Banglorewala.
Đồng thời, đại hội sẽ tiến hành bổ sung 5 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Đào Phong Trúc Đại; ông Phạm Mạnh Thắng (đang là Tổng giám đốc PG Bank); bà Đinh Thị Huyền Thanh; ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm (ông Lâm là thành viên Hội đồng quản trị độc lập).
Ngoài ra, PG Bank cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu thêm 1.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 40%. Đồng thời chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 26,67%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện tăng vốn dự kiến trong năm 2023, 2024. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Được biết, mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của PG Bank đứng im từ năm 2012 đến nay và là một trong những ngân hàng thương mại có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.
Theo tài liệu, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông kế hoạch đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của PG Bank. Theo PG Bank, tên thương mại và logo của ngân hàng đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây của PG Bank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Song, đến thời điểm hiện tại Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và không còn là cổ đông lớn.
Đồng thời, Petrolimex cũng yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của ngân hàng là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Bên cạnh đó, PG Bank cũng trình cổ đông thông qua việc giao cho Hội đồng quản trị xây dựng, phê duyệt và triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của PG Bank