Ngân hàng - Bảo hiểm
Phát triển các hình thức cho vay tiêu dùng mới
Hà Tâm - 30/03/2021 14:08
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân gần 34%/năm trong 10 năm qua, song vẫn chưa đáp ứng đủ. Trong khi đó, các loại hình cho vay mới xuất hiện nhiều, gồm cả chính thức và phi chính thức.
Các kênh tín dụng tiêu dùng đã phát triển bùng nổ trong những năm gần đây. Ảnh: Đ.T

Cho vay tiêu dùng tăng gấp 10 lần vẫn dưới tiềm năng

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), trong 10 năm qua, cho vay tiêu luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7% (tín dụng chung toàn nền kinh tế trong giai đoạn này chỉ tăng 17,3%). 

Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng tăng từ 8,17% tổng dư nợ nền kinh tế (năm 2010) lên 20% năm 2020.

“Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy, đảm bảo an ninh trật tự xã hội”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định.

Nỗ lực phủ sóng tín dụng của ngân hàng, công ty tài chính cũng đã khiến chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam năm 2020 tăng 7 bậc, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng thứ 25/190 nền kinh tế.

Mặc dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu tách tín dụng nhà ở, thì cho vay tiêu dùng ở nước ta mới chiếm 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế và đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của người dân có thu nhập thấp vẫn rất lớn. Đây là lý do khiến tín dụng đen vẫn đang tồn tại âm ỷ.

Lý giải nguyên nhân tín dụng đen vẫn tồn tại, bà Phạm Thanh Tùng cho rằng, các công ty tài chính, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn, nên không thể cho vay bằng mọi giá. Bên cạnh đó, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa do thiếu thông tin, nên bị sa bẫy tín dụng đen...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế số hóa ngày càng mạnh mẽ, người tiêu dùng dễ bị sa bẫy các kênh tín dụng phi chính thức trên mạng (vay tín dụng đen, vay P2P lending).

Vì vậy, để người dân dễ dàng tiếp cận vốn tiêu dùng từ kênh chính thức, bản thân các công ty tài chính tiêu dùng, các ngân hàng phải nhanh chóng chuyển đổi số, cộng thêm sự hậu thuẫn về chính sách.

Chính sách cho vay tiêu dùng ngày càng rộng mở

Để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển xứng với tiềm năng, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng đa dạng. Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ, các công ty tài chính đang cung cấp nhiều sản phẩm mới cho thị trường. Chưa kể, sân chơi tài chính tiêu dùng ngày xuất hiện nhiều tân binh, như Mobile Money, P2P lending… Tuy nhiên, áp lực đặt ra với cơ quan quản lý cũng ngày càng lớn.

Lấy ví dụ mô hình P2P, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mô hình này giúp thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam thêm sôi động. Thời gian qua, P2P đã cung cấp thêm kênh tiếp cận vốn, đa dạng hóa kênh đầu tư, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, cải cách chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng...

Tuy nhiên, mô hình P2P ở Việt Nam không giống với mô hình P2P truyền thống, nếu như không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, ảnh hưởng xấu tới xã hội. Thách thức với cơ quan quản lý là vừa hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng, vừa phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, đẩy mạnh tài chính toàn diện.

Trên thực tế, thời gian qua, hành lang pháp lý về cho vay tiêu dùng ngày càng được NHNN hoàn thiện. Ngoài các thông tư đã được ban hành, NHNN đã đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Tuy nhiên, đến nay, nhiều loại hình cho vay mới vẫn chưa có cơ chế quản lý.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho hay, ngoài các cơ chế chính sách đã được ban hành, NHNN cũng đang trình Chính phủ nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động fintech, trình nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về hoạt động tài chính vi mô.

NHNN cũng ban hành các quy định pháp lý phù hợp đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ, phương tiện thanh toán mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, như ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử, quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử - eKYC; đang nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ blockchain ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào một số lĩnh vực ngân hàng…

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tài chính tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

- Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN)

Tin liên quan
Tin khác