Trong phiên giao dịch sáng, dù mở cửa với sắc đỏ do dư âm của phiên lao dốc trước, nhưng cả 2 chỉ số sau đó lại được kéo xanh nhờ một vài mã lớn như GAS, VNM, VCB trên HOSE và ACB trên HNX. Nhưng sắc xanh không duy trì được lâu do áp lực chốt lời mạnh ở các mã vừa và nhỏ, kéo xuống dưới 558 điểm.
Ở mốc điểm này, lực mua lại gia tăng ở các mã lớn, kéo VN-Index hồi phục dần và chốt phiên sáng trong sắc xanh.
Lực mua cuối phiên sáng đem lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư về phiên phục hồi của thị trường trong ngày cuối tuần khi bước vào phiên chiều. Nhiều lệnh mua đuổi giá cuối phiên sáng được như đầu tư duy trì với kỳ vọng sẽ sớm có được hàng nhỡ khi thị trường tăng mạnh trong phiên chiều.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán đã gia tăng, đẩy cả 2 chỉ số quay lại dưới tham chiếu. Dường như một số mã lớn đã được sử dụng để kéo chỉ số chính gia tăng, nhằm lôi kéo dòng tiền bắt đáy để thoát hàng.
Chính lực bán gia tăng đã khiến cả 2 chỉ số chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên chiều và đà giảm càng về cuối phiên càng được nới rộng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,5%), xuống 558,43 điểm với 72 mã tăng, chưa bằng một nửa so với số mã giảm (158 mã). Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,4 tỷ đồng, giá trị 2.139,57 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,87 triệu đơn vị, giá trị 368 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 1/4 |
HNX-Index cũng giảm 0,59 điểm (-0,74%), xuống 78,47 điểm với 76 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,89 triệu đơn vị, giá trị 464,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,57 triệu đơn vị, giá trị 77,2 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 1/4 |
Trong số các mã lớn, chỉ còn GAS là đủ sức giữ được sắc xanh, giúp VN-Index không rơi sâu dù áp lực bán ở hàng loạt mã khác rất lớn. Cùng góp sức với GAS còn có một vài bluechip khác như CII, HCM, SSI.
Trong khi đó, sắc tím quen thuộc ở các mã như BGM, TLH, TMS, VOS, KSS, BMC, LCM, HAI đã được thay thế bằng sắc “xanh mắt mèo”. HAR phiên này may mắn thoát khỏi mức sàn, nhờ chút lực bắt đáy cuối phiên, trong khi TSC vẫn đang bị xả mạnh và chính thức mất mệnh giá trong phiên hôm nay khi chốt ở mức sàn 9.600 đồng với 2,23 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.
Trong văn bản trả lời các cổ đông về cầu hỏi lý do giảm sàn liên tiếp, Chủ tịch HĐQT TSC, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, hoạt động của TSC hiện vẫn diễn ra bình thường. Về tin đồn FIT thoái vốn, bà Nguyệt cho biết, trong quý I/2016, FIT đã bán bớt cổ phiếu TSC để giảm tỷ lệ sở hữu về 51%, vẫn là mức chi phối tại TSC. Thời điểm này, FIT không có kế hoạch thoái vốn tại TSC như tin đồn. Dù văn bản đưa ra ngày 30/3, nhưng vẫn không thể giúp TSC thoát khỏi mức sàn hôm nay.
Dù áp lực bán mạnh và diễn ra trên diện rộng, nhưng trên bảng điện tử vẫn xuất hiện những sắc xanh đậm như SHI, FMC, EVE, DMC, CSM, CSV, thậm chí là có sắc tím như ATA, KMR.
Trên HNX, ACB đã không còn duy trì được đà tăng như phiên hôm qua và sáng nay khi chốt phiên ở mức tham chiếu 18.300 đồng.
Trong các mã cổ phiếu thị trường, trong khi ITQ giảm giá trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 5% và tham dự ĐHCĐ thường niên, thì KSQ lại có sắc tím đậm. Cũng có mức tăng tốt còn cò KVC, VIX, một số mã chứng khoán.
Trong khi đó, BAM bị chốt lời mạnh nên đóng cửa ở mức sàn 2.100 đồng với 0,84 triệu đơn vị được khớp, còn dư bán sàn và ATC 1 triệu đơn vị.
UPCoM dù giảm mạnh, nhưng thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hơn do có những đợt sóng khá lớn. Một số mã trên sàn này hôm nay dù giảm, nhưng thanh khoản vẫn duy trì tốt như KTB, AVF, GEX. Trong khi, sắc tím cũng duy trì ở một số mã như CNT, HPT, VLC.