Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, thanh khoản thị trường đã được cải thiện dần, nhất là trong phiên cuối tuần, dòng tiền chảy khá mạnh, giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau 3 phiên giảm nhẹ. Việc thanh khoản thị trường tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, dòng tiền đón sóng kết quả kinh doanh quý III đã nhập cuộc và đây là bệ đỡ để thị trường sẽ bứt phá trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực khi sự thận trọng một lần nữa lại trở lại với nhà đầu tư.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng, việc ROS bị bán mạnh và xuống mức sàn đầu phiên khiến VN-Index cũng bị kéo xuống khá sâu, gần ngưỡng 800 điểm. Tuy vậy, nhờ đà tăng của một số mã lớn khác như MSN, PLX, MWG, BHN…, nên VN-Index hồi phục trở lại. Tuy nhiên, do sự thận trong của nhà đầu tư, dòng tiền chỉ chảy nhỏ giọt khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh.

Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường cũng không có nhiều điểm đáng chú ý, VN-Index vẫn lình xình trong phiên độ hẹp dưới tham chiếu với thanh khoản thấp.

Độ rộng của thị trường nghiên về sắc đỏ, nhưng mức tăng, giảm của các mã không quá lớn, thanh khoản các mã cũng đì đẹt.

Chốt phiên đầu tuần, VN-Index giảm 1,55 điểm (-0,19%), xuống 805,58 điểm với 112 mã tăng và 163 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,15 tỷ đồng, giá trị 3.319,1 tỷ đồng, giảm mạnh 15,6% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23 triệu đơn vị, giá trị 538,23 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 25/9

Trong khi đó, dù dòng tiền cũng rút lui trên sàn HNX, nhưng trái ngược với VN-Index, HNX-Index lại nới rộng đà tăng ngay khi bước vào phiên chiều, xác lập mức điểm cao nhất ngày lúc khoảng 13h30 trước khi hạ nhiệt trở lại. Dù vậy, với đà tăng mạnh của ACB, PVC và sự trở lại của SHB, HNX-Index vẫn có mức tăng mạnh hôm nay.

Cụ thể, chốt phiên, HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,77%), lên 107,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,35 triệu đơn vị, giá trị 637,58 tỷ đồng, 32,18% về khối lượng và giảm 34,75% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 92,95 tỷ đồng.

Trên HOSE, STB bất ngờ nổi sóng trong phiên chiều khi có lúc tăng vọt lên mức giá trần 12.350 đồng trước khi đóng cửa ở mức 12.300 đồng, tăng 6,49% với hơn 7 triệu cổ phiếu được khớp, chỉ đứng sau FLC về thanh khoản trên sàn HOSE.

Sự khởi sắc của STB trong phiên hôm nay, dù mở cửa trong sắc đỏ một phần đền từ lực cầu mạnh từ khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng gần 1,6 triệu cổ phiếu STB.

Trong top 5 mã có thanh khoản tốt nhất, chỉ có 2 mã tăng giá, ngoài STB có thêm DIG với mức tăng 1,57%, lên 16.150 đồng với 4,26 triệu đơn vị được khớp.

Còn 3 mã còn lại là FLC, FIT và ASM đều giảm giá, trong đó FLC có thanh khoản tốt nhất với 11,16 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,32%, FIT giảm 4,45%, xuống 11.800 đồng với 6,93 triệu đơn vị được khớp, ASM giảm 7,05%, xuống 11.200 đồng với hơn 4 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, dù lực cầu đỡ giá chảy khá mạnh, nhưng ROS vẫn không thể tránh được phiên điều chỉnh sâu sau 8 phiên tăng liên tiếp trước đó. Chốt phiên, ROS giảm 6,53%, xuống 120.300 đồng với 3,23 triệu đơn vị được khớp.

Các mã lớn khác như ngân hàng (từ STB, EIB), SAB, VIC, NVL, BVH, DPM, SSI… cũng chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, VNM đảo chiều tăng 0,2%, MSN giữ mức tăng mạnh 4,81%, VJC tăng 4,49%, PLX, BHN, MWG, PVD, KDC cũng đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Trên HNX, ACB bất ngờ leo lên mức cao nhất ngày 30.400 đồng trước khi hạ nhiệt nhẹ, chốt phiên ở mức 30.100 đồng, tăng 3,08% với 3,38 triệu đơn vị được khớp. SHB cũng đảo chiều tăng 1,25%, lên 8.100 đồng với 9,65 triệu đơn vị. PVC đóng cửa chỉ cách mức trần (10.200 đồng) 1 bước giá, tăng 8,6% với hơn 1 triệu đơn vị được khớp, PVS cũng tăng 1,21% lên 16.700 đồng với 1,61 triệu đơn vị.

PVX, ACM tiếp tục giữ mức giá trần 2.800 đồng và 2.300 đồng với 7,74 triệu đơn vị và 3,44 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, KLF an binh ở mức sàn 5.600 đồng với 13,31 triệu đơn vị được khớp do lực cầu không còn nhập cuộc. Chốt phiên hôm nay, mã này còn dư bán giá sàn 4,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giống như sàn HOSE, chỉ số UPCoM-Index cũng chỉ lình xình trong phiên độ hẹp dưới mức tham chiếu trong suốt phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%), xuống 54,43 điểm với 4,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 84,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,26 triệu đơn vị, giá trị 53,3 tỷ đồng.

3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn này vẫn là GEX, HVN và MSR với 795.400 đơn vị, 530.300 đơn vị và 517.000 đơn vị. Trong đó, GEX vẫn giảm 2,98%, xuống 22.800 đồng, trong khi HVN tăng 2,74%, lên 26.200 đồng và MSR tăng 6,59%, lên 17.800 đồng.

VKD vẫn giữ được sắc tím 39.700 đồng với dư mua trần 1,13 triệu đơn vị. Có sắc tím phiên hôm nay trên UPCoM còn có KGU, G36, NS2, HEJ, DAC, TGP, NBE…

Chứng khoán phái sinh hôm nay có 5.258 hợp đồng được giao dịch, giá trị 413,43 tỷ đồng, giảm mạnh 20,8% so với phiên cuối tuần trước. Đây cũng là phiên có thanh khoản thấp nhất trong gần 3 tuần.