Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, sự khởi sắc của một số mã trụ cột dòng ngân hàng, dầu khí đã giúp VN-Index tích cực hơn hẳn, nhất là ở những thời điểm cuối phiên. Cùng với đó, dòng tiền cũng đã có sự cải thiện rõ rệt, giúp chỉ số thu hẹp đáng kể đà giảm.
Đóng cửa phiên 26/9, với 122 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index chỉ còn giảm 0,23 điểm (-0,03%) về 805,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,2 tỷ đồng, giá trị 3.655,38 tỷ đồng, tăng 14,78% về lượng và 10,13% về giá trị so với phiên 25/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,6 triệu đơn vị, giá trị 431 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 26/9 |
Có thể nói, nhóm dầu khí chính là bệ đỡ cho VN-Index trong phiên hôm nay, với sắc tím ngay từ sớm của PVD hay sắc xanh khá đậm của GAS nhờ giá dầu tăng cao. PVD phiên này khớp lệnh 7,4 triệu đơn vị, mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua. GAS tăng 1,5% lên 69.500 đồng.
Nhiều mã trụ khác như VNM, VCB, STB, VIC, MSN… cũng có được đà tăng tốt, góp phần hãm bớt đà giảm của chỉ số. Trong đó, MSN bất ngờ quay đầu tăng 2,6% lên 55.900 đồng sau phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ trước đó.
Ngược lại, các mã ROS, SAB, BHN, VJC, PLX, VPB, BVH, HPG… tiếp tục là “tội đồ” khiến chỉ số không thể tăng. SAB giảm 1,3% về 258.000 đồng. ROS giảm mạnh 6,2% xuống 112.800 đồng và khớp 3,46 triệu đơn vị.
Những người anh em của ROS như FLC, FIT, AMD cũng đều giảm điểm, trong đó FIT giảm sàn về 11.000 đồng, khớp lệnh 9,27 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị. FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 12,93 triệu đơn vị được sang tên, giảm 0,8% về 7.410 đồng.
Trong khi đó, các mã nóng như HAG, HNG, HAR, HAI… lại bất ngờ khởi sắc. HAI tăng 1,5% lên 10.150 đồng và khớp 7,8 triệu đơn vị, HAR 2,8% lên 14.600 đồng và khớp 2,47 triệu đơn vị. Hai mã này có thời điểm đều đã giảm sàn.
Trên HNX, nhóm dầu khí cũng là lực đỡ chính giúp sàn HNX duy trì đà tăng trong 5 phiên liên tiếp, thanh khoản cũng có sự cải thiện.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,53%) lên 107,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,48 triệu đơn vị, giá trị 694,93 tỷ đồng, tăng 6,62% về lượng và 8,99% về giá trị so với phiên 25/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 13,5 triệu đơn vị, giá trị gần 254 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 5,8 triệu cổ phiếu SHS, giá trị 99,76 tỷ đồng.
Nhiều mã dòng P trên sàn HNX giao dịch tích cực, trong đó PVS nổi bật nhất với mức tăng mạnh 3,6% lên 17.300 đồng và khớp 9,25 triệu đơn vị. PVX khớp lệnh 10,65 triệu đơn vị, nhưng đứng giá tham chiếu.
ACB cũng là một trong những mã lớn đóng góp tích cực vào đà tăng chung của HNX-Index, với mức tăng 1,7% lên 30.600 đồng/CP và khớp 2,76 triệu đơn vị.
Với KLF, dù có thanh khoản dẫn đầu sàn với 14,6 triệu được sang tên, song cũng như những người họ hàng FIT bên sàn HOSE, mã này cũng nằm sàn từ sớm với mức giảm 8,9% về 5.100 đồng.
Tuy nhiên, “điểm nhấn” trên sàn HNX phiên này có lẽ là mã ACM sau sự cố “nhầm” mua thành bán của lãnh đạo Công ty, khiến mã này cũng đo sàn ngay khi mở cửa, khớp lệnh 289.200 đơn vị và còn dư bán sàn và ATC hơn 1,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, trái với diễn biến 2 sàn chính, sàn này diễn biến tiêu cực hơn, đặc biệt là trong phiên chiều. Áp lực bán lớn khiến UPCoM-Index chìm trong sắc đỏ, thanh khoản sụt giảm bởi tâm lý thận trọng dâng cao.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,3%) xuống 54,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,9 triệu đơn vị, giá trị 73,4 tỷ đồng, giảm 11,36% về lượng và 13,34% về giá trị so với phiên 25/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,3 triệu đơn vị, giá trị 211,8 tỷ đồng chủ yếu đến từ thỏa thuận của 9 triệu cổ phiếu VIB, giá trị 202,5 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn như GEX, HVN, MSR, DVN, VIB, QNS… đều giảm điểm, thanh khoản yếu.
Thanh khoản kém tích cực cũng là tình trạng chung của sàn này. Mã khớp lệnh cao nhất là ART cũng chỉ đạt 401.300 đơn vị, giảm 3,8% về 20.300 đồng. Nhìn chung, đây có lẽ là phiên thiếu may mắn của các cổ phiếu “họ” FLC khi đều giảm điểm mạnh.