Thiết lập lá chắn chống dịch
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, những ngày này, trên nhiều tuyến phố, cơ sở kinh doanh ở Hà Nội hay tại những sự kiện lớn tập trung đông người ở nhiều địa phương, việc “quên” đeo khẩu trang đang rất phổ biến. Các lọ sát khuẩn được đặt trong thang máy chung cư, công sở hay trường học ít được để ý... Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân khi nhiều ngày liên tiếp không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Trong nước là vậy, còn từ bên ngoài, ca bệnh rình rập xâm nhập từ nguồn nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở khu vực biên giới Tây Nam luôn thường trực. Chưa kể, theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, 85,7% mẫu Covid-19 tại Việt Nam nhập cảnh từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
Các nhà khoa học đã chứng minh, mức độ lây lan của biến thể Covid-19 mới gấp nhiều lần so với chủng cũ, nên nếu trường hợp xấu xảy ra, có ca bệnh “lọt” qua hệ thống kiểm soát, thâm nhập cộng đồng tại các khu vui chơi, điểm du lịch đông người vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hậu quả rất khủng khiếp.
Bài học nhãn tiền là Ấn Độ, do chủ quan nên đã cho phép người dân tham dự các lễ hội lớn với hàng chục ngàn người mà không thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đến nay, nền y tế nước này đã “vỡ trận”, số ca mắc mới lên tới hơn 300.000 người mỗi ngày với thảm cảnh các nhà xác không còn chỗ để thiêu. Dù là “vựa thuốc” của thế giới, nhưng Ấn Độ không có đủ bình oxy cho bệnh nhân.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc khẩn cấp mà ngành y tế Việt Nam cần làm lúc này là đầu tư, nâng cấp hệ thống y tế dự phòng làm lá chắn chống dịch. Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bất kỳ đất nước nào, kể cả các nước có nền y học phát triển, nếu để y tế dự phòng “vỡ trận”, số ca mắc Covid-19 cao, thì y tế điều trị sẽ không còn khả năng chống đỡ. Chỉ khi làm tốt công tác y tế dự phòng, thì mới có thể đỡ được gánh nặng cho công tác điều trị, tránh được nguy cơ quá tải hệ thống y tế, thiếu vật tư y tế, thuốc men, không còn khả năng điều trị cho bệnh nhân.
Siết chặt kiểm soát và chuẩn bị nguồn lực
Qua phân tích của các chuyên gia, những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Hiện tại, ở nhiều quốc gia, tình hình dịch đã trầm trọng hơn đợt cao điểm năm 2020; một số thành phố phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Sự gia tăng số người nhiễm Covid-19 tại nhiều nước không chỉ là lời cảnh báo, mà còn là áp lực về nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải có giải pháp phù hợp và hiệu quả để ngăn chặn dịch xâm nhập, lây lan.
Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, câu chuyện thiếu oxy y tế ở Ấn Độ là do quá tải hệ thống y tế, khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Việt Nam dù chưa phải đối diện với tình thế này, song cũng không được chủ quan, phải lường trước các khó khăn để chuẩn bị nhân lực, vật lực và tuyên truyền để người dân không chủ quan.
Về việc chuẩn bị trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), trải qua 3 đợt dịch, vật tư y tế đã được cung cấp đầy đủ cho các cơ sở. Riêng về oxy y tế, trong nước có thể tự sản xuất được để cung ứng khi có nhu cầu.
Bày tỏ lo lắng về biến thể virus B.1.167 đột biến kép đang khiến nền y tế Ấn Độ chao đảo, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị, để dịch không có cơ hội bùng phát, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch và thông điệp 5K.
Trước nguy cơ về làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay công điện của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tăng cường tuần tra trên biển để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
“Các địa phương cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch, kể cả tình huống Covid-19 lây lan trong cộng đồng, sẵn sàng biện pháp, không lúng túng, bị động. Cần xem tình trạng dịch đang trầm trọng ở các nước là bài học lớn, từ đó làm mọi cách không để dịch xảy ra ở trong nước”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.