- Quốc hội chuẩn bị chất vấn: Bộ trưởng nào cũng có thể lên "ghế nóng"
- Ủy ban của Quốc hội nêu trách nhiệm của Bộ Giáo dục trong vụ việc lùm xùm sách giáo khoa mới
- Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm cam kết ưu đãi dự án Lọc dầu Nghi Sơn gây thiệt hại lớn
- Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa việc điều tra sai sót của sách giáo khoa
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XIV. |
Từ ngày 9/11, Quốc hội khoá XIV bước sang tuần làm việc thứ hai của đợt họp trực tiếp, kỳ họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng.
Tiếp tục hoạt động chất vấn, sáng 10/11, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 tiếng để Thủ tướng báo cáo làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm trong các phiên chất vấn trước đó và trực tiếp trả lời chất vấn.
Nhưng, không chờ đến lúc này, trong ngày chất vấn đầu tiên (6/11), nhiều đại biểu đã nêu chất vấn dành cho người đứng đầu Chính phủ về khá nhiều vấn đề, từ việc Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% chưa? Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa cho đến đầu tư cho văn hoá bao giờ ngang tầm với kinh tế...
Ngay sau khi kết thúc hoạt động chất vấn, chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Từ ngày 11/11, Quốc hội dành khá nhiều thời gian cho công tác làm nhân sự, buổi sáng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Việc bỏ phiếu kín để phê chuẩn và thông qua nghị quyết nội dung trên diễn ra chiều cùng ngày.
Hôm sau (12/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế. Về nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, họp báo trước thềm kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi miễn nhiệm để Thống đốc Lê Minh Hưng nhận nhiệm vụ khác, Chính phủ sẽ có văn bản đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thay thế. Nhưng thời điểm đó, Thủ tướng chưa có văn bản báo cáo để làm thủ tục bổ nhiệm nhân sự tại kỳ họp thứ 10 này. Ông Phúc cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ kịp có văn bản đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm người thay thế Thống đốc Lê Minh Hưng tại kỳ họp đang diễn ra.
Cũng về công tác nhân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sáng 13/11, Quốc hội họp riêng, phê chuẩn các chức danh nói trên và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua một loạt luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Thỏa thuận quốc tế.
Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng được thông qua trong phiên họp này.
Buổi họp cuối của tuần, Quốc hội còn thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đáng chú ý, trong tuần Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Dự thảo nghị quyết này nêu rõ, mục tiêu tổng quát của năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Một số chỉ tiêu kinh tế dự kiến: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.