Từ bài toán giao thông
Theo nhận định của giới chuyên gia, vấn đề kết nối đầu tiên giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Hà Nội và cũng là vấn đề mang tính then chốt, tác động đến các yếu tố khác, đó chính là kết nối về giao thông liên vùng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS-TS-KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - Nông thôn Quốc gia (VIUP) cho rằng, hệ thống giao thông vận tải kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các đô thị trong vùng Thủ đô đã được xác định trong Quy hoạch Chung xây dựng Hà Nội, cũng như trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô. Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững, nhằm tạo tiền đề cho phát triển cả đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và các đô thị trong Vùng Thủ đô.
Hạ tầng giao thông là vấn đề mang tính then chốt để tạo nên liên kết vùng. Ảnh: Dũng Minh |
Hệ thống giao thông phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, sắt...) kết nối giữa đô thị trung tâm với đô thị khác cũng như kết nối giữa các đô thị vệ tinh với nhau.
Các đồ án quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội, cũng như Vùng Thủ đô đã xác định sẽ hình thành các đường nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh cùng với các tuyến vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó là viêc nâng cấp, cải tạo các tuyến Quốc lộ (1A, 3, 6, 21…). Đồng thời, ưu tiên xây dựng các tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.250 km, kết nối Thủ đô với các đô thị khác trong vùng.
Cần hình thành các đầu mối trung chuyển giữa các loại hình giao thông để hình thành và phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Bên cạnh đó, việc hình thành các tuyến đường sắt đô thị (8 tuyến đường sắt nội vùng và một tuyến nhánh có chiều dài khoảng 320 km), đường sắt nội vùng (8 tuyến đường sắt nội vùng kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài khoảng 415 km) kết nối với nhau thông qua các trung tâm tiếp vận đầu mối (Ngọc Hồi, Gia Lâm, Bắc Hồng, An Khánh…) nhằm hỗ trợ giao thông vận tải đường bộ trong vùng.
Ngoài ra, cần kết nối hệ thống giao thông đường không, đường thủy trong vùng với hệ thống giao thông quốc gia, cũng như các loại hình giao thông khác. Vấn đề còn lại là việc triển khai đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống để đảm bảo hiệu quả cao nhất, phù hợp với quá trình phát triển của mô hình hệ thống đô thị Thủ đô nói riêng và vùng Hà Nội nói chung.
Cùng quan điểm, TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, trên cơ sở hệ thống giao thông công cộng, hệ thống viễn thông và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, các đô thị vệ tinh sẽ được kết nối chặt chẽ với nhau và với đô thị trung tâm mà vẫn đảm bảo khả năng hoạt động độc lập của các đô thị trong mạng lưới.
Điển hình như đô thị vệ tinh Hòa Lạc, được định hướng quy hoạch xây dựng, phát triển thành một đô thị mới hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như một đô thị độc lập có vai trò điều hòa sự gia tăng dân số và giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm, như phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghỉ dưỡng, y tế cấp vùng.
Còn đô thị vệ tinh Xuân Mai được dự kiến phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển các dịch vụ thương mại đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Cùng với đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai có vai trò hỗ trợ về đào tạo đại học, giảm tải sinh viên ra khỏi đô thị trung tâm.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho rằng, điều kiện phát triển đô thị là khá tốt, nhưng có thực hiện được không lại cần phải giải quyết triệt để nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là hệ thống giao thông kết nối vệ tinh với trung tâm. Đơn cử, hệ thống giao thông đô thị vệ tinh Xuân Mai còn hạn chế. Hiện nay, Quốc lộ 6 đoạn từ Xuân Mai - Hà Đông chưa được triển khai đồng bộ, nên gây khó khăn trong tiếp cận nội đô, kéo theo sự khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Hà Nội đang xây dựng các thành phố vệ tinh ở để giảm tải dân số khu vực nội đô. Ảnh: Nguyễn Thành |
Đến hạ tầng và nguồn lực đầu tư
Theo nhận định của giới chuyên gia, về định hướng, một đô thị vệ tinh xuất hiện không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính, mà phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói cách khác, người ta muốn đến định cư và muốn đầu tư lớn vào đô thị.
Các đô thị vệ tinh Hà Nội có rất nhiều nội dung, hạng mục hấp dẫn các nhà đầu tư như các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; các hoạt động giáo dục - đào tạo; du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng đô thị và các dự án đầu tư đa dạng khác trong các khu đô thị vệ tinh đã, đang và sẽ được xây dựng, triển khai trong khuôn khổ quy hoạch được duyệt, vấn đề cần đặt ra là làm sao để thu hút các chủ đầu tư chuyển từ đô thị trung tâm với nhiều ưu thế về các đô thị vệ tinh?
Theo TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh, để giải quyết vấn đề nêu trên, Hà Nội cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm, cung cấp các thông tin phong phú về chủ đề quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội, cùng các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh trên địa bàn Thủ đô.
Chia sẻ với phóng Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện của VIUP cho biết, đối với các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm với cùng một hệ thống quản lý hành chính, việc điều tiết vấn đề kết nối các nguồn lực đơn giản hơn so với việc điều tiết các kết nối ở cấp độ các đô thị trong Vùng Thủ đô Hà Nội.
Thông qua các cơ chế khuyến khích, ưu đãi tại các đô thị vệ tinh theo chuyên ngành đã được xác định trong quy hoạch, cũng như những cơ chế ưu đãi cho người lao động tại các khu đô thị vệ tinh, bên cạnh việc tạo ra những kết nối về giao thông vận tải, thông tin và hạ tầng như nêu trên, việc điều tiết nguồn vốn và nhân lực từ đô thị trung tâm ra các đô thị vệ tinh theo định hướng chung là khả thi, bên cạnh đó, việc thông qua các lợi thế địa phương của từng đô thị vệ tinh để khai thác nguồn lực sẵn có cũng là vấn đề cần quan tâm.
Đối với việc điều tiết, kết nối nguồn lực giữa các đô thị trong vùng, do thiếu một cơ cấu hành chính vùng nên cần phải có các điều tiết từ Trung ương thông qua các cơ chế phối hợp vùng. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội và kinh tế Việt Nam cũng hài hòa lịa ích của các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia, mô hình đô thị vệ tinh nhằm giải quyết vấn đề dân số và hạ tầng cho đô thị trung tâm, vì vậy vấn đề kết nối và chia sẻ hạ tầng không thể thiếu. Các quy hoạch đã đề cập đến việc kết nối và chia sẻ hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật), các đô thị vệ tinh được quy hoạch như những đô thị độc lập nhưng có thêm các tính chất đặc thù.
Đơn cử, đô thị vệ tinh Hòa Lạc là trung tâm đào tạo cấp độ cao và là trung tâm nghiên cứu phát triển của Vùng Thủ đô, đô thị vệ tinh Sóc Sơn khai thác tiềm năng trên hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và sân bay Nội Bài để trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ cao cấp cho toàn vùng.
“Chúng ta phải tạo lập được hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội ở các đô thị vệ tinh thì mới kéo người dân vào ở. Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng rất tốn kém và chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo tôi, phương án khả thi là xây dựng, phát triển xen kẽ dần dần. Đô thị phát triển đến đâu, triển khai hạ tầng đến đó theo nguyên tắc vết dầu loang”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.