Ý tưởng lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hiện chưa có bước tiến triển nào trên thực tế. |
Điều này khiến mục tiêu đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng trở nên xa vời.
Thiếu cơ chế khuyến khích
Theo quy định hiện hành, mức đóng vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với công ty hỗ trợ người lao động đóng góp vào quỹ) và thuế thu nhập cá nhân (đối với người lao động tham gia quỹ) là 1 triệu đồng/người/tháng.
Mức được khấu trừ thuế này, theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ là không đủ hấp dẫn để có thể thu hút các doanh nghiệp, người lao động tham gia loại hình quỹ mới này, mặc dù nhu cầu từ phía thị trường là hiện hữu.
“Không giống như các loại hình quỹ khác trên thị trường chứng khoán, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có mục tiêu chính là hình thành một trụ cột mới trong hệ thống bảo hiểm, với đặc thù là hạn chế về tính linh hoạt, chứng chỉ quỹ hưu trí thanh khoản rất thấp do không được chuyển nhượng, cho, tặng, chỉ được nhận trước tuổi nghỉ hưu trong một vài trường hợp đặc biệt.
Thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt là ưu đãi về thuế, phí trong giai đoạn ban đầu sẽ dẫn đến cả phía doanh nghiệp và người lao động, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ quản trị quỹ như công ty quản lý quỹ không mặn mà tham gia”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ lớn chia sẻ.
Vị lãnh đạo trên cho biết thêm, tuy công ty do ông đang tham gia điều hành có tính đến lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, nhưng chờ suốt 2 - 3 năm qua, đến nay vẫn không thấy có cơ chế khuyến khích nào từ phía cơ quan quản lý, ngoại trừ một hình thức ưu đãi là doanh nghiệp và người lao động được miễn thuế với mức 1 triệu đồng/tháng khi đóng vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Ý tưởng lập quỹ của công ty hiện chưa có bước tiến triển nào trên thực tế. Do không có cơ chế khuyến khích, nên công ty chưa thể hiện thực hóa ý tưởng lập quỹ hưu trí do tiên lượng khó có khả năng thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia.
Ngay cả ở những nền kinh tế phát triển, trong giai đoạn phát triển ban đầu của hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, nhiều nước đều miễn thuế ở cả 3 công đoạn: đóng góp vào quỹ, trong quá trình quỹ đầu tư và người tham gia nhận tiền từ quỹ.
Tuy nhiên, ở một nền kinh tế chưa phát triển như Việt Nam, khả năng tham gia quỹ của doanh nghiệp và người dân chưa rõ nét, trong khi mức ưu đãi thuế cho các đối tượng này khi tham gia quỹ hiện quá… bèo, nên đến nay mới có một trường hợp triển khai kế hoạch lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Đang trong thời gian chuẩn bị các bước để hình thành loại hình quỹ này, nhưng chính đại diện VFM thừa nhận, chính sách thuế hiện tại không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để các đối tượng tham gia quỹ này. Ngoài ra, mức miễn thuế kể trên chưa bù đắp được nhiều điểm hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản rất thấp của các chứng chỉ quỹ hưu trí. Do đó, cần sớm có quy định mới điều chỉnh mức miễn thuế cao hơn, hấp dẫn hơn cho người tham gia quỹ khi góp tiền vào quỹ hưu trí tự nguyện.
Cơ chế thuế hiện hành chưa có quy định về thuế khi nhận chi trả trước tuổi nghỉ hưu và đến tuổi nghỉ hưu. Theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, đây là những vấn đề quan trọng trong hoạt động chi trả của quỹ hưu trí, nên cần có hướng dẫn cụ thể.
Thêm nhiều cái khó
Không những chưa nhận được cơ chế ưu đãi, khuyến khích đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sớm ra đời, theo phản ánh của các chuyên gia quản lý quỹ, một loạt khó khăn khác đang bộc lộ càng khiến nhà lập quỹ… nản.
Đầu tiên là bài toán đầu tư ban đầu cho thiết lập hệ thống hạ tầng công nghệ khá đắt đỏ, trong khi không biết khả năng thu hút khách hàng đến đâu. Theo đó, đầu tư cho một hệ thống công nghệ để vận hành quỹ, công ty quản lý quỹ phải bỏ ra vài triệu USD.
Nếu không đầu tư, thì công ty quản lý quỹ phải bỏ ra chi phí đáng kể để thuê hạ tầng công nghệ của các đơn vị khác cung cấp dịch vụ, trong khi không biết khả năng phát triển khách hàng đến đâu để sớm thu hồi vốn, nhất là trong bối cảnh các cơ chế hỗ trợ khích lệ doanh nghiệp và người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hiện vẫn chưa bõ bèn.
Ngoài ra, qua thực tiễn đang chuẩn bị lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam, đại diện VFM phát hiện, theo quy định của Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, ngân hàng giám sát không được cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cho quỹ hưu trí đang ký hợp đồng giám sát.
Quy định này làm cho việc tìm kiếm tổ chức cung cấp dịch vụ giám sát cho quỹ hưu trí gặp khó khăn, làm tăng chi phí hoạt động cho quỹ hưu trí, đồng thời khiến ngân hàng giám sát khó thực hiện được chức năng giám sát.
Một trong những quan ngại lớn của bên tham gia quỹ, cũng như bên cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí là hiện chưa có quy định về xử lý trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động giải thể, phá sản, sáp nhập, hợp nhất thì phần đóng góp của người sử dụng lao động cho tổ chức đó chưa đủ điều kiện để được hưởng (chuyển quyền sở hữu) giải quyết như thế nào. Hành lang pháp lý hiện cũng chưa có quy định về Đại hội người tham gia quỹ, cũng như Ban đại diện, trong khi đây là những vấn đề quan trọng cần được quy định rõ ràng để tạo thuận lợi cho lập quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bộ Tài chính nói gì?
Tuy ghi nhận chính sách miễn thuế cho khoản đóng góp của bên sử dụng lao động và người lao động còn khiêm tốn, nhưng đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Để thuyết phục cơ quan lập pháp tăng miễn thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ, cần có thời gian triển khai quỹ, từ đó mới có cơ sở thực tế để Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét cơ chế ưu đãi mới đối với quỹ hưu trí…
Giải đáp trên của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng tình từ phía doanh nghiệp. Mãi tranh cãi câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, thì không biết đến bao giờ mới có cơ chế khuyến khích, nhất là ưu đãi về thuế, phí để tiếp sức cho sự ra đời của hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung.
Nếu thời gian dài nữa mà không có bất kỳ quỹ hưu trí tự nguyện nào được ra đời, thì lấy cơ sở nào để Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi thuế cho loại hình quỹ này trong giai đoạn phát triển sơ khởi?
Theo Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014, đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng…
Chỉ còn 3 năm nữa là đến năm 2020, trong khi đến nay chưa có những bước tiến chắc chắn cho hình thành những quỹ hưu trí đầu tiên. Điều này càng cho thấy, nếu không khẩn trương tháo gỡ các bất cập vướng mắc hiện tại, đồng thời không sớm hình thành hệ thống cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia lập quỹ hưu trí, thì những mục tiêu đặt ra tại Đề án này rất có thể chỉ tồn tại… trên giấy.
"Lẽ ra ở đây, Nhà nước nên xác định miễn, giảm thuế là một hình thức đầu tư ban đầu của nhà nước nhằm khích lệ sớm hình thành hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, thay vì cố giữ mức ưu đãi thuế thấp như hiện nay không đủ khuyến khích các quỹ ra đời", một công ty phản ánh.
Ngay cả khi nâng khoản mà doanh nghiệp và người lao động đóng góp vào quỹ được miễn thuế lên 2-3 triệu đồng/tháng, thì nhà nước cũng không bị thiệt nhiều. Bởi thực ra số tiền này khi đóng góp vào quỹ, thì sẽ được đầu tư trở lại nền kinh tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp, nên có khả năng gia tăng đóng thuế cho nhà nước.
Hơn nữa, khi gia tăng ưu đãi thuế cho khoản đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ giúp doanh nghiệp có thêm động lực trong thu hút và giữ chân lao động giỏi, từ đó cũng góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có đóng thuế nhiều hơn cho ngân sách nhà nước…
Từ thực tế trên, ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng, nhân việc Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên, cần đề xuất phương án nâng mức mà doanh nghiệp và người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được miễn thuế lên ít nhất gấp 2-3 lần so với quy định hiện hành, để sớm hình thành cơ chế khuyến khích cho sự ra đời của loại hình quỹ này.
Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh trụ cột thứ nhất của hệ thống hưu trí là bảo hiểm xã hội bắt buộc đang trong thời kỳ căng thẳng do bất cập của hệ thống hưu trí, cũng như tình trạng già hóa dân số dẫn đến mất cân đối giữa thu và chi của quỹ bảo hiểm xã hội.