Lễ ký kết nhượng quyền thương hiệu du lịch Wondertour Nam Định. (Ảnh minh họa) |
Nhu cầu bật tăng
Hậu Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu khởi nghiệp lữ hành cũng tăng lên nhanh chóng. Đơn cử, dù mới khởi động mảng nhượng quyền thương hiệu từ cuối tháng 4, nhưng Wondertour đã hợp tác với 6 đối tác mở thương hiệu này tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên. “Chúng tôi đã nhận được hơn 70 bộ hồ sơ đăng ký làm đối tác nhượng quyền ở trong và ngoài nước”, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour chia sẻ.
Thực tế, phương thức kinh doanh nhượng quyền có thể giúp các doanh nghiệp lữ hành sở hữu thương hiệu mạnh mở rộng tệp khách hàng, đạt doanh số cao và lợi nhuận “khủng” trên nền tảng nguồn lực đã có mà không cần đầu tư quá nhiều. Nhà khởi nghiệp không cần bỏ ra chi phí lớn để đầu tư cơ sở vật chất, tuyển nhiều nhân sự, hay trải qua hành trình dài xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu. Họ lập tức được khai thác tên tuổi, uy tín của thương hiệu lữ hành đã có vị thế.
- Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel
Tuy nhiên, “mảnh đất” này không dễ “canh tác”. Ngay cả ông Năng cũng thừa nhận, trong bối cảnh thiếu nhân sự du lịch trầm trọng như hiện nay, khi mở rộng đối tác, thị trường, nhu cầu đổ về tổng công ty rất lớn, đòi hỏi đội ngũ làm nghề đông đảo, có kinh nghiệm chuyên môn sâu mới phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.
Mặt khác, công ty nhượng quyền phải liên tục có sản phẩm mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách cũng như làm việc chặt chẽ với hệ thống cung ứng dịch vụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cùng với năng lực truyền thông tốt để dẫn dắt chuỗi hệ thống. “Nếu phát triển mô hình nhượng quyền quá “nóng” mà không đảm bảo chất lượng sẽ trở thành ‘con dao hai lưỡi’, gây mất uy tín”, ông Năng nói.
Sản phẩm vô hình và biến động
Tại Việt Nam, nhượng quyền thương hiệu có 4 loại cơ bản, gồm: nhượng quyền có tham gia quản lý, nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện, nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn và nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel nhấn mạnh, với cả 4 mô hình nhượng quyền trên, yếu tố cốt lõi vẫn là duy trì ổn định quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Tuy nhiên, sản phẩm của các doanh nghiệp lữ hành là vô hình, không thể cầm, nắm, kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, vì phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, ăn uống… Mặt khác, sản phẩm du lịch luôn đòi hỏi tính mới lạ và thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng, nên rất khó để có một sản phẩm tồn tại vĩnh viễn ở một quãng thời gian đủ dài, chất lượng và giá cả ổn định để có thể nhượng quyền.
Theo ông Tài, các công ty lữ hành ở Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ và các nhà sáng lập thường mang nặng tính chủ quan, thậm chí chưa có nhận thức về việc xây dựng chuỗi để nhượng quyền thương hiệu. Ngay từ ban đầu khi xây dựng doanh nghiệp, chủ công ty thường không có kế hoạch bán hay nhượng quyền thương hiệu.
Ở góc nhìn pháp lý, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lux Group chỉ ra một yếu tố khiến mô hình nhượng quyền thương hiệu lữ hành không phổ biến ở Việt Nam là do Luật Du lịch chưa có những quy định về loại hình này.
Ngoài ra, ông Hà cho biết, hiện nay, việc xin giấy phép kinh doanh lữ hành không tốn nhiều chi phí, chỉ với khoảng 20 - 50 triệu đồng đã có thể mở một thương hiệu mới.
Do đó, hậu Covid-19, dù nhu cầu khởi nghiệp lữ hành lớn, song rất hiếm đơn vị lữ hành triển khai mô hình nhượng quyền. Đa phần doanh nghiệp lữ hành “đầu đàn” sẽ mở chi nhánh, văn phòng đại diện, còn các tập đoàn lớn ở quốc tế nếu muốn mở rộng thị trường thì sẽ mua lại công ty lữ hành của Việt Nam để đưa vào hệ thống toàn cầu của họ.
Tuy nhượng quyền lữ hành chưa được khai thác nhiều, nhưng các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, ngành du lịch và các địa phương cần khuyến khích các công ty du lịch lớn và uy tín thực hiện mô hình này. Nếu các hãng lữ hành lớn triển khai mô hình nhượng quyền, thì ngay lập tức, du khách tại các địa phương sẽ dễ dàng được tiếp cận với những dịch vụ du lịch uy tín từ các thương hiệu mạnh ở cả hai mảng du lịch nội địa và du lịch quốc tế, giúp ngành kinh tế xanh nhanh chóng phục hồi.